Giá vàng thế giới đi lên trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần này và đã có tuần giao dịch tốt nhất trong hai năm rưỡi qua, giữa bối cảnh lạm phát của Mỹ có dấu hiệu “hạ nhiệt” làm dấy lên kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể bớt “diều hâu” trong chính sách lãi suất tại các cuộc họp sắp tới.
Sự suy yếu của đồng USD đã khiến giá vàng “vọt” lên gần mức cao nhất trong ba tuần ngay trong phiên giao dịch mở màn tuần này (ngày 7/11) và tăng hơn 2% trong phiên giao dịch liền sau đó, phá ngưỡng quan trọng 1.700 USD/ounce.
Bob Haberkorn, chiến lược gia cấp cao tại công ty môi giới đầu tư RJO Futures (Mỹ) nhận định đà giảm của đồng USD và lợi suất trái phiếu là những nhân tố hỗ trợ giá vàng nói riêng và các kim loại quý nói chung.
Đồng bạc xanh đã nối dài đà giảm và xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Trong khi đó, ông Tai Wong, một nhà giao dịch cấp cao tại công ty môi giới đầu tư Heraeus Precious Metals (Mỹ) nhận định thị trường vàng có vẻ đang trên đà mua vào khi đồng USD yếu đi, với đồn đoán Fed sẽ giảm mức tăng lãi suất xuống 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 12.
Nhà phân tích Craig Erlam của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ) cho biết vàng đã vượt qua cả ngưỡng 1.680 USD/ounce và sau đó là 1.700 USD/ounce. Việc phá vỡ các mức kỹ thuật đó có thể tạo thêm đà tăng giá cho kim loại quý này.
[Giá vàng thế giới chốt phiên 10/11 cao nhất kể từ ngày 25/8]
Tuy nhiên, “điểm tối” duy nhất của tuần giao dịch này là phiên 9/11, khi đồng USD phục hồi nhẹ và thị trường trong thế phòng thủ trước khi số liệu lạm phát của Mỹ được công bố.
Vàng luôn tỏ ra nhạy cảm với các đợt tăng lãi suất khi chính sách này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng. Môi trường lãi suất cao hơn cũng thúc đẩy đà tăng của USD và gây sức ép lên giá kim loại quý được định giá bằng đồng bạc xanh.
Tâm lý của thị trường đã được giải tỏa ngay trong phiên giao dịch sau đó, khi Bộ Lao động Mỹ ngày 10/11 công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại nước này tháng 10 tăng 0,4% so với tháng trước đó, trong khi các nhà kinh tế dự báo tăng 0,6% và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số USD và lợi suất trái phiếu đồng loạt giảm sau khi số liệu lạm phát được công bố, bởi số liệu này mang đến hy vọng Fed sẽ kiềm chế nhịp độ tăng lãi suất.
Giá vàng còn nhận được sự hỗ trợ từ báo cáo của Bộ Lao động cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tăng 7.000, lên 225.000 trong tuần kết thúc ngày 5/11.
Ông David Meger, người phụ trách mảng giao dịch kim loại tại công ty dịch vụ tài chính High Ridge Futures (Mỹ) cho biết nếu lạm phát tiếp tục giảm từng bước, đó sẽ là điềm báo tốt cho các thị trường nói chung với kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất ở tốc độ thấp hơn trong tương lai.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 11/11, vàng tiếp tục nối dài đà đi lên nhờ thông tin đáng khích lệ về lạm phát của Mỹ.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.766,39 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 18/8/2022 vào đầu phiên. Tính chung cả tuần qua, giá vàng này tăng 5%. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn tiến 0,9%, lên 1.769,4 USD/ounce.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Chúng tôi đang theo dõi giá vàng sau dữ liệu CPI mới nhất, đồng USD suy yếu và khả năng Fed sẽ thực hiện nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm sẽ cao hơn là nâng 0,75 điểm phần trăm.”
Dữ liệu lạm phát đã khiến đồng USD giảm mạnh, ghi nhận hai phiên liên tiếp giảm mạnh nhất trong gần 14 năm, qua đó làm vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Vàng đang giao dịch trên mức trung bình 50 phiên và 100 phiên, và đây được các nhà đầu tư xem là một tín hiệu tăng giá trong tương lai./.