Giá vàng ghi dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 11 năm 2021

Giá vàng giao ngay ngày 7/1 lên mức 1.797,10 USD/ounce và tính chung cả tuần qua, giá vàng giảm 1,7%, ghi dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 26/11/2021.
Giá vàng ghi dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 11 năm 2021 ảnh 1Vàng miếng được bày bán tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường vàng thế giới biến động thất thường trong tuần giao dịch đầu tiên của năm mới 2022.

Dù khởi sắc trong phiên cuối tuần khi tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 12/2021 thấp hơn dự kiến, nhưng kim loại quý này vẫn khép lại một tuần đi xuống sau ba tuần hạ giá giữa bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra dấu hiệu sẽ đẩy sớm lộ trình nâng lãi suất.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này (3/1), giá vàng thế giới giảm hơn 1%, do đà tăng trên thị trường chứng khoán gây áp lực cho mặt hàng kim loại quý này, trong khi các nhà đầu tư dường như “phớt lờ” những lo ngại về tác động của biến thể mới Omicron đối với nền kinh tế toàn cầu.

Bất chấp sự gia tăng số ca mắc COVID-19, số trường hợp tử vong và nhập viện do biến thể Omicron tương đối thấp, khiến chính phủ nhiều nước tạm ngừng các biện pháp phong tỏa xã hội.

Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới hàng hóa RJO Futures (Mỹ), cho biết nhà đầu tư kỳ vọng làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới chỉ là tạm thời.

Tuy nhiên, số liệu kinh tế đáng thất vọng của Mỹ và đồng USD yếu đã giúp giá vàng đi lên trong hai phiên giao dịch liền sau đó.

Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ công bố báo cáo cho hay, chỉ số các nhà sản xuất có trụ sở tại Mỹ đã giảm xuống 58,7% vào tháng 12/2021 so với 61,1% trong tháng 11/2021, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.

Giá vàng còn được tiếp thêm động lực khi các nhà đầu tư phản ứng với dữ liệu do Đại học Johns Hopkins thu thập rằng Mỹ đã có 1.083.948 trường hợp mắc COVID-19 vào ngày 3/1, cao hơn gấp đôi so với kỷ lục trước đó là 486.428 được thiết lập bốn ngày trước.

Tới phiên giao dịch ngày 6/1, giá kim loại quý này lại quay đầu hạ, chạm mức thấp nhất trong hai tuần do chịu áp lực từ việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ gia tăng sau khi Fed báo hiệu khả năng tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến.

Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới OANDA (Mỹ), cho biết sự quan tâm của giới đầu tư đang hướng về là số lần tăng lãi suất và mức độ tích cực của Fed với bảng cân đối ngân sách, điều này đã khiến vàng rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương. Nếu lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục tăng cao hơn trong ngắn hạn, điều đó sẽ gây xáo trộn rất lớn cho hoạt động giao dịch vàng.

[Giá vàng khép lại năm 2021 với mức giảm mạnh nhất trong 6 năm qua]

Phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (7/1), giá vàng ngược dòng đi lên từ mức “đáy” của ba tuần, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 199.000 việc làm trong tháng trước trong bối cảnh tình trạng thiếu lao động vẫn căng thẳng, thấp hơn so với dự báo tăng 400.000 việc làm, với số lượng việc làm tăng vừa phải trong ngắn hạn khi số ca nhiễm COVID-19 vọt tăng làm gián đoạn hoạt động kinh tế.

Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,5%, lên 1.797,10 USD/ounce. Trong khi giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,5%, lên 1.797,40 USD/ounce. Tính chung cả tuần qua, giá vàng giảm 1,7%, ghi dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 26/11/2021.

Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo tại ngân hàng UBS nhận định: “Với số lượng việc làm tăng thấp hơn dự kiến trong tháng 12/2021, nhưng với tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm, đó là một báo cáo hỗn hợp đối với vàng."

Trong khi đó, chuyên gia phân tích Suki Cooper tại Standard Chartered cho biết: “Phản ứng giá vàng cho thấy thị trường đang tập trung hơn vào rủi ro lạm phát trước cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sắp tới."

Chỉ số đồng USD giảm 0,6% trong phiên này, làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ loại tiền tệ khác.

Trước đó, giá vàng đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 16/12/2021 là 1.782,10 USD/ounce, khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm đỉnh 2 năm.

Biên bản cuộc họp của Fed vào ngày 5/1 vừa qua cho thấy các quan chức của ngân hàng này đã thảo luận về việc thu hẹp lượng nắm giữ tài sản và nâng lãi suất sớm hơn dự kiến để chống lạm phát.

Kim loại quý này hiện rất nhạy cảm với đà tăng lãi suất Mỹ, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn là tài sản không sinh lời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục