Giá vàng duy trì trên 1.800 USD mỗi ounce khi lạm phát Mỹ hạ nhiệt

Công ty nghiên cứu Capital Economics của Anh dự đoán đợt phục hồi của giá vàng sẽ nhanh chóng kết thúc và giá kim loại quý sẽ giảm trở lại vào đầu năm 2023, khi Fed tiếp tục tăng lãi suất.
Đồ trang sức vàng được bày bán tại Chennai (Ấn Độ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch cuối tuần (23/12), giá vàng nhích nhẹ và duy trì trên ngưỡng quan trọng 1.800 USD/ounce nhờ hưởng lợi từ các số liệu kinh tế cho thấy lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt.

Phiên đầu tuần, giá vàng giảm do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, trong bối cảnh nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cao trong cuộc chiến kéo dài nhằm kiểm soát lạm phát.

Giá kim loại quý đã quay đầu tăng trong phiên giao dịch 20/12 do đồng USD của Mỹ suy yếu. Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định nới lỏng chính sách kiểm soát chặt chẽ lợi suất trái phiếu chính phủ đã khiến đồng yen Nhật tăng giá so với đồng USD.

Giá vàng thế giới hầu như không thay đổi vào phiên 21/12 và duy trì trên mức 1.800 USD/ounce, khi có những dấu hiệu cho thấy Fed có thể sẽ tăng lãi suất chậm lại.

Ông David Meger, người phụ trách mảng giao dịch kim loại tại công ty môi giới đầu tư High Ridge Futures (Mỹ), tin rằng giá vàng sẽ có xu hướng tiếp tục đi ngang rồi hướng lên cao hơn, khi thị trường tập trung vào ý kiến cho rằng Fed sắp kết thúc đợt tăng lãi suất vào đầu năm 2023.

[Giá vàng và giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch 20/12]

Kim loại quý này chịu áp lực giảm giá trong phiên 22/12, sau khi nền kinh tế Mỹ đón số liệu GDP khả quan, với tăng trưởng đạt 3,2% trong quý 3 năm 2022 nhờ xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng tăng.

Sang đến phiên cuối tuần, giá vàng giao tháng 2/2023 tăng 0,5%, tương đương 8,9 USD, và đóng cửa phiên ở mức 1.804,2 USD/ounce. So với mức giá cuối tuần trước, giá vàng tăng 0,2%.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ trong tháng 11/2022 tăng 5,5%, chậm hơn mức 6,1% của tháng trước. Tuy nhiên, chỉ số PCE lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm) và thường được Fed đánh giá cao hơn khi tính toán tỷ lệ lạm phát, đã tăng 4,7% trong tháng 11 - cao hơn dự đoán của các nhà phân tích là 4,6%.

Chỉ số tâm lý tiêu dùng do Đại học Michigan công bố cũng tăng cao hơn dự kiến trong tháng 12/2022, nhờ giá xăng giảm và thị trường chứng khoán khởi sắc đầu tháng này.

Cũng trong phiên này, chỉ số đồng USD so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ chủ chốt (DXY) giảm 0,1% xuống mức 104,38.

Trong phần lớn thời gian của năm 2022, việc Fed tăng mạnh lãi suất cùng với đồng USD lên giá đã gây sức ép lên giá vàng. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.

Caroline Bain, nhà kinh tế trưởng về thị trường hàng hóa của Công ty nghiên cứu kinh tế quốc tế Capital Economics (Anh), cho biết sự phục hồi của giá vàng lúc này là khá bất ngờ, vì vàng thường được coi là một công cụ phòng ngừa lạm phát. Bà chỉ ra rằng, giá vàng tăng có thể phản ánh nhu cầu vàng vật chất mạnh mẽ và lo ngại của nhà đầu tư về nguy cơ suy thoái kinh tế sắp xảy ra.

Dù vậy, Capital Economics dự đoán đợt phục hồi của giá vàng sẽ nhanh chóng kết thúc và giá kim loại quý sẽ giảm trở lại vào đầu năm 2023 khi Fed tiếp tục tăng lãi suất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục