Giá vàng chịu áp lực lớn trước biến động của đồng USD

Thị trường vàng trong nước và thế giới vừa chứng kiến một tuần giao dịch tiêu cực với đa phần các phiên giảm giá. Tính chung cả tuần, giá vàng trong nước “đánh mất” 700 nghìn đồng/lượng.
Giá vàng chịu áp lực lớn trước biến động của đồng USD ảnh 1Các sản phẩm vàng miếng được bày bán tại công ty vàng Bảo Tín Minh Châu, phố Hoàng Cầu, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thị trường vàng trong nước và thế giới vừa chứng kiến một tuần giao dịch tiêu cực với đa phần các phiên giảm giá.

Trong bối cảnh đồng USD đang có những bước tăng mạnh, các chuyên gia dự báo giá vàng tiếp tục chịu áp lực lớn.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 16/7, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,35-67,87 (mua vào-bán ra), không đổi so với chốt phiên ngày hôm qua.

Với mức giá đóng cửa này, tính chung cả tuần, giá vàng trong nước “đánh mất” 700 nghìn đồng/lượng.

Trước đó, thị trường vàng trong nước chỉ ghi nhận một phiên tăng điểm vào sáng 14/7 với biên độ không quá 100 nghìn đồng/lượng. Các ngày giao dịch còn lại đều giảm, cùng chiều với giá vàng thế giới.

Riêng giá vàng thế giới ghi nhận mức giảm 2,2% trong tuần qua và là tuần giảm giá thứ năm liên tiếp.

Khép lại phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giao tháng 8 giảm 2,2 USD, hay 0,1%, xuống 1.703,60 USD/ounce, sau khi có thời điểm giảm xuống 1.696,6 USD/ounce trong phiên này.

Nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Công ty Dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ) cho biết: “Vàng đang chịu áp lực khi đồng USD đang có những bước tăng mạnh và kỳ vọng lãi suất tăng khá lớn sau khi báo cáo mới đây của chính phủ Mỹ cho thấy thị trường việc làm của nước này vẫn rất vững mạnh.”

[Giá vàng trong nước và thế giới vẫn ghi nhận khoảng cách lớn]

Ông Moya dự báo, giá vàng có thể rơi xuống dưới mức 1.700 USD/ounce và sau đó sẽ hỗ trợ quanh mức 1.670 USD/ounce.

Trong khi đó, một nhóm các chiến lược gia hàng hóa của Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) ngày 15/7 đã hạ dự báo giá vàng.

Nhóm chuyên gia này hiện dự đoán giá vàng sẽ được giao dịch ở mức khoảng 1.600 USD/ounce vào cuối năm 2022, trước khi tăng nhẹ trở lại vào năm 2023.

Giới chuyên gia trong nước cũng nhận định, giá vàng thế giới chưa có động lực tăng trong ngắn hạn khi đồng USD đang ở mức cao nhất 20 năm. Bởi Việt Nam không sản xuất vàng, chủ yếu là nhập khẩu nên giá đồng USD tăng dẫn tới giá vàng trong nước tăng theo.

Tâm lý lo sợ đồng tiền mất giá nên rút tiền khỏi tài sản rủi ro để đưa vào tài sản an toàn hơn cũng khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Trong khi đó, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)  tăng lãi suất mạnh tại cuộc họp chính sách sắp tới làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn không sinh lời.

Dữ liệu tháng 6 từ Bộ Lao động Mỹ về tăng trưởng việc làm của Mỹ cao hơn dự kiến, cùng với tỷ lệ lạm phát tăng càng củng cố kịch bản Fed sẽ tiếp tục đà tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào cuộc họp cuối tháng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục