Giá vàng châu Á đi lên trong phiên ngày 8/2, trong bối cảnh số liệu việc làm của Mỹ đã giúp củng cố hy vọng kế hoạch kích thích kinh tế hơn nữa, mặc dù mức tăng của vàng bị hạn chế do lợi suất trái phiếu tăng cao.
Vào lúc 14 giờ 32 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.816 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 1.816,10 USD/ounce.
Howie Lee, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng OCBC, cho biết thị trường đang bị ảnh hưởng bởi báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đáng thất vọng của Mỹ, công bố ngày 5/2, và điều đó đã làm gia tăng tình hình không chắc chắn về kinh tế cũng như kỳ vọng về kế hoạch kích thích tài chính hơn từ Mỹ, qua đó “tiếp sức” cho vàng. Đồng USD rời khỏi mức “đỉnh” của hơn hai tháng trong phiên 5/2, do số liệu việc làm của Mỹ thấp hơn dự kiến, làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi kinh tế diễn ra chậm ở Mỹ.
Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 đã hạn chế mức tăng của vàng. Nicholas Frappell, Tổng Giám đốc toàn cầu tại ABC Bullion, cho biết trái phiếu "có lẽ là cơn gió ngược lớn nhất" đối với vàng, và vàng vẫn dễ bị tổn thương bởi đồng USD vốn có nhiều dư địa để nới rộng mức tăng gần đây.
[Giá vàng châu Á tăng cao hơn trong phiên giao dịch sáng 8/2]
Hiện các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào tiến độ của gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD, mà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tin rằng sẽ được thông qua trước ngày 15/3 dù có hay không có sự ủng hộ của lưỡng đảng.
Chuyên gia Lee của OCBC nhận định giá vàng có thể tăng lên mức 1.900 USD/ounce vào cuối năm 2021 khi lợi suất trái phiếu tạm chững lại và sự chú ý hướng vào lạm phát.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1% lên 27,08 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1,7% lên 1.142,46 USD/ounce, còn giá palladium ổn định ở mức 2.338,06 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, vào lúc 15 giờ 39 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,54 - 57,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).