Giá vàng châu Á chiều 16/9 giảm phiên thứ tư liên tiếp và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, khi kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng mạnh lãi suất đã thúc đẩy đồng USD đi lên.
Phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.6056,82 USD/ounce, vào lúc 15 giờ 45 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 0,7% xuống 1.665,60 USD/ounce.
Cũng trong phiên này, đồng USD tăng 0,3% so với các đối thủ và dao động gần mức đỉnh mới thiết lập gần đây, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng lên mức cao nhất trong ba tháng.
Nhà phân tích Xiao Fu của ngân hàng Bank of China International (Trung Quốc) cho rằng sức mạnh của đồng USD vẫn tồn tại. Việc chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ cao hơn dự kiến trong tháng 8/2022 đã tái khẳng định quan điểm thị trường rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tuần tới. Chính điều này đang đè nặng lên giá vàng.
[Đồng USD đạt mức tăng ngày cao nhất kể từ năm 2020]
Theo chuyên gia trên, nếu vàng giảm xuống dưới ngưỡng 1.600 USD/ounce, một số người sẽ có nhu cầu mua vào khi giá giảm và hỗ trợ phần nào kim loại quý này. Nhưng về tổng thể, rủi ro chắc chắn vẫn nghiêng về phía giá vàng tiếp tục giảm.
Đưa ra nhận định tương tự, nhà phân tích Rupert Rowling của công ty dịch vụ tài chính Kinesis Money (Mỹ) cho biết với việc các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới lựa chọn tăng lãi suất đáng kể trong giai đoạn tới để kiểm soát lạm phát, sức hấp dẫn của vàng đã giảm đi khá nhiều.
Kể từ thời điểm vượt ngưỡng quan trọng 2.000 USD/ounce vào tháng Ba, giá vàng đã để mất hơn 400 USD (tương đương gần 20%).
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,8% xuống 18,82 USD/ounce. Giá bạch kim cũng lùi 2,2% xuống 884,50 USD/ounce.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên ngày 16/9, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 65,75-66,57 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.