Giá vàng châu Á dường như không biến động mạnh trong phiên 1/6 dù cho những lo ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu lại nổi lên, trong khi đồng USD mạnh và số liệu kinh tế Mỹ lạc quan đang gây sức ép cho thị trường.
Tại thị trường Bengaluru của Ấn Độ, vào lúc 13 giờ 41 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay gần như không đổi, giao dịch ở mức 1.298,29 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn giao tháng Sáu giảm 0,2% xuống 1.298 USD/ounce.
Mark To, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Wing Fung Financial Group tại Hong Kong, cho biết sự lên xuống của giá vàng hiện nay phản ánh tâm lý tương đối điềm tĩnh của các nhà đầu tư.
Ông dự báo giá vàng sẽ giao dịch trong khoảng 1.296-1.305 USD/ounce.
Lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại lại bùng lên sau khi Mỹ thông báo từ 1/6 bắt đầu áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và EU, kết thúc giai đoạn miễn trừ trước đó.
Ngay sau đó Mexico đã công bố các biện pháp "trả đũa," còn Canada Canada tuyên bố sẽ đáp trả thích đáng bằng cách áp đặt các mức thuế "trả đũa" Mỹ.
[Giá vàng tăng nhẹ trong phiên mở cửa ngày giao dịch cuối tháng Năm]
Căng thẳng chính trị và kinh tế có thể hỗ trợ giá vàng lên một mức nhất định, song đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất trong tháng này đã phần nào kìm hãm đà tăng này.
Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ đã tăng trong tháng Tư và lạm phát tiếp tục tăng đều đặn, qua đó càng làm tăng khả năng Fed nâng lãi suất.
Lãi suất cao thường tiếp sức cho đồng USD và đẩy lãi suất trái phiếu lên, qua đó gây sức ép cho giá vàng. Chỉ số đồng USD, thước đo đánh giá đồng bạc xanh với rổ tiền tệ chính, đã tăng 0,2% lên 94,154.
Các thị trường đang chờ đợi báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng Năm vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp và Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) được Mỹ công bố vào cuối ngày hôm nay.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm 0,52% xuống 847,03 tấn trong phiên ngày 31/5./.