Giá vàng châu Á giảm nhẹ trong phiên chiều 10/3 sau khi tăng lên mức cao nhất hai tháng qua trong phiên trước đó, giữa bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ cao và đồng USD mạnh, làm giảm sự thu hút của kim loại quý đối với các nhà đầu tư.
Vào lúc 14 giờ 06 phút ngày 10/3 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.714,55 USD/ounce, sau khi tăng hơn 2% trong phiên trước.
Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn Mỹ giảm 0,3% xuống 1.712,40 USD/ounce. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm làm tăng sức hấp dẫn cho việc nắm giữ vàng.
Chiến lược gia tiền tệ của DailyFX, Ilya Spivak cho rằng yếu tố lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao đã tác động và điều chỉnh giá vàng, vốn phục hồi mạnh trong phiên trước đó.
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng ổn định khiến việc nắm giữ vàng kém hấp dẫn hơn, bởi các nhà đầu tư thường có xu hướng đổ vào các tài sản tạo ra thu nhập ổn định theo dạng lãi suất hoặc cổ tức.
Dự luật cứu trợ dịch COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Mỹ được thông qua tại Hạ viện Mỹ và dự kiến được xem xét và thông qua trong ngày 10/3.
[Trái phiếu Mỹ và đồng USD giảm, giá vàng thế giới phiên 9/3 tăng 2,3%]
Chuyên gia Spivak nhận định một gói kích thích kinh tế lớn ở Mỹ, chính sách tiền tệ toàn cầu nới lỏng, triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và các nền kinh tế dần mở cửa trở lại, có “khả năng gây lạm phát rất cao và sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm thắt chặt chính sách” và điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới vàng.
Trong khi Fed cho đến nay vẫn "bỏ qua" việc lợi suất trái phiếu tăng, thì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết sẽ thảo luận về các biện pháp can thiệp thích hợp vào ngày 11/3 tới.
Tại thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,6% xuống 25,74 USD/ounce, và giá bạch kim giảm 0,9% xuống 1.157,81 USD/ounce. Trong khi đó, giá palladium tăng 0,5%, lên 2.308,79 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, vào lúc 15 giờ 57 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 54,98 - 55,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)./.