Giá vàng châu Á đi ngang, giá dầu giảm nhẹ trong khi chờ đợi thông tin từ Fed

Giá vàng châu Á đi ngang, giá dầu giảm nhẹ trong khi chứng khoán “nối gót” đã tăng của phố Wall trong khi chờ đợi thông tin về lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed.
(Ảnh: LN 247/TTXVN)

Giá vàng châu Á đi ngang trong phiên ngày 18/6 trong bối cảnh thị trường chờ đợi số liệu kinh tế Mỹ và bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để có thêm thông tin về lộ trình cắt giảm lãi suất của ngân hàng này.

Khoảng 14 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 2.317,86 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng nhẹ 0,2% lên 2.332,40 USD/ounce.

Nhà phân tích cao cấp Matt Simpson tại công ty tài chính City Index nhận định việc giá vàng liên tục biến động trong bốn ngày qua mà không có hướng đi rõ ràng cho thấy thị trường đang chờ đợi một yếu tố để thúc đẩy thị trường. Nếu doanh số bán lẻ của Mỹ giảm, có khả năng vàng có thể vượt ngưỡng 2.350 USD/ounce.

Số liệu bán lẻ của Mỹ sẽ được công bố vào 19 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, tiếp theo đó là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vào ngày 20/6 và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) vào ngày 21/6. Số liệu được công bố vào tuần trước cho thấy thị trường lao động và áp lực giá cả đang giảm bớt.

Thống đốc Fed Philadelphia, ông Patrick Harker, ngày 17/6 bày tỏ ủng hộ việc cắt giảm lãi suất một lần, nhưng vẫn sẵn sàng thay đổi quan điểm tùy thuộc vào dữ liệu sắp tới.

Nhiều quan chức Fed sẽ có bài phát biểu tại các sự kiện khác nhau trong ngày, bao gồm chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee và chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin.

Theo công cụ FedWatch Tool của CME Group, khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 11/2024 là 75%. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, mặc dù giá vàng đang ở mức cao, song nhiều ngân hàng trung ương khác có kế hoạch bổ sung vàng vào kho dự trữ trong vòng một năm tới và họ cũng tin rằng các ngân hàng khác sẽ làm như vậy do những bất ổn kinh tế vĩ mô và chính trị đang diễn ra.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,6% xuống 29,31 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,8% lên 971,94 USD/ounce, còn giá palladium giảm 0,1% xuống 888,20 USD/ounce.

Tại thị trường Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), ổn định mức giá so với chốt phiên chiều qua.

Chỉ số Nikkei-225 hiển thị trên bảng điện tử tại Tokyo, Nhật Bản. (Ản minh họa.: Kyodo/TTXVN)

Chứng khoán châu Á “nối gót” phố Wall

Thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt đi lên phiên 18/6, “nối gót” kỷ lục mới của Phố Wall do nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu, trong khi các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu kinh tế mới của Mỹ để có cái nhìn chính xác hơn về triển vọng lạm phát.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 1% lên 38.482,11 điểm. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm nhẹ 0,1% xuống 17.913,10 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,5% lên 3.030,25 điểm.

Không khí trên sàn giao dịch nhìn chung lạc quan sau khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq tiếp tục lập đỉnh nhờ dòng tiền đổ vào các “ông lớn” công nghệ như Apple, Intel và Microsoft do kỳ vọng về Trí tuệ Nhân tạo (AI).

Nhà đầu tư châu Á tiếp tục mua vào, với các thị trường chứng khoán Sydney, Singapore, Mumbai, Bangkok, Seoul và Wellington cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. Tuy nhiên, chứng khoán Hong Kong đã đảo ngược đà tăng ban đầu và đi xuống.

Do có ít thông tin chính sách quan trọng để thúc đẩy thị trường, các nhà đầu tư đang tập trung phân tích những phát biểu của quan chức Fed trong tuần này để dự đoán kế hoạch về lãi suất, sau khi các quan chức giảm dự báo về số lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi số liệu bán lẻ, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp và sản xuất công nghiệp của Mỹ công bố ngày 18/6, nhằm có được bức tranh mới nhất về tình hình kinh tế.

Cuối tuần qua, Thống đốc Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari cho biết các quan chức không cần vội vàng nới lỏng chính sách, trong khi người đồng cấp ở Cleveland, Loretta Mester, vẫn lo ngại lạm phát có thể quay trở lại.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-index tăng 4,73 điểm (0,37%) lên 1.279,50 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,27 điểm (0,52%) lên 244,43 điểm.

Một trạm xăng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á giảm nhẹ trước sự thận trọng của thị trường

Giá dầu châu Á giảm nhẹ trong phiên ngày 18/6, sau khi tăng trong phiên trước đó do thị trường vẫn thận trọng về triển vọng tăng trưởng nhu cầu toàn cầu trong bối cảnh dự báo nguồn cung dồi dào hơn.

Trong chiều 18/6, giá dầu Brent biển Bắc có lúc giảm 12 xu, tương đương 0,14%, xuống 84,13 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 14 xu, tương đương 0,17%, xuống 80,19 USD/thùng.

Giá hai loại dầu chủ chốt này đã tăng khoảng 2% trong phiên ngày 17/6 và khép phiên ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2024.

Nhà phân tích hàng hóa và phái sinh của BoFA, ông Francisco Blanch cho biết thị trường dầu mỏ đã chuyển trọng tâm trở lại các yếu tố cơ bản, vốn đã yếu trong một thời gian. Ông nói thêm rằng lượng dự trữ dầu thô toàn cầu và lưu trữ sản phẩm tinh chế ở Mỹ và Singapore, cùng với các nơi khác, đang ở mức cao hơn.

Trong khi đó, ông lưu ý rằng nhu cầu dầu toàn cầu trong quý I/2024 đã giảm xuống còn 890.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái và dữ liệu cho thấy tăng trưởng tiêu thụ có khả năng chậm lại trong quý 2.

Dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy sản lượng lọc dầu của nước này trong tháng 5/2024 đã giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, do các nhà máy lọc dầu tiến hành bảo trì theo kế hoạch và chịu áp lực từ giá dầu thô tăng.

Thị trường cũng đang chờ đợi những thông tin chi tiết hơn về lãi suất và diễn biến nhu cầu của Mỹ, khi một số quan chức Fed sẽ phát biểu vào chiều 18/6 (theo giờ địa phương).

Một số nhà phân tích vẫn lạc quan về tác động của việc gia hạn cắt giảm nguồn cung của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đối với giá dầu trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc phân tích giao dịch dầu thô toàn cầu của công ty năng lượng Rystad Energy, ông Patricio Valdivieso cho biết những chỉ dẫn mới nhất do OPEC+ đưa ra, cũng như triển vọng tăng trưởng nhu cầu 2,25 triệu thùng/ngày không thay đổi, cho thấy sự trì trệ trong tăng trưởng nguồn cung dầu mỏ năm 2024 và rủi ro sản lượng giảm trong năm 2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục