Thị trường vàng châu Á giao dịch khá trầm lắng trong phiên chiều 17/6 giữa lúc đồng USD đang ở quanh mức cao nhất của hai tuần và cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp diễn ra trong tuần này.
Trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ) chiều 17/6 giá vàng giao ngay lùi 0,2% xuống 1.338,86 USD/ounce sau khi đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 11/4 vừa qua là 1.358,04 USD/ounce hồi phiên thứ Sáu tuần trước (14/6).
Chuyên gia Benjamin Lu thuộc công ty môi giới đầu tư Phillip Futures cho hay thị trường vàng hiện đang trong tư thế “phòng thủ.”
Các thị trường đều đặt cược rất lớn vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất, trong khi những bất ổn thương mại cũng gia tăng sức hấp dẫn của vàng như một kênh đầu tư “trú ẩn an toàn.”
Công cụ FedWatch của công ty chuyên môi giới đầu tư và dịch vụ tài chính CME Group cho biết, kỳ vọng của thị trường về việc Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 18-19/6 đã giảm từ mức 28,3% ghi nhận hôm 13/6 vừa qua xuống còn 21,7%.
[Giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong một tuần]
Tuy nhiên, tỷ lệ đặt cược cho khả năng ngân hàng trung ương này sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp tháng Bảy vẫn ở mức cao là 85%.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, việc đồng USD mạnh lên và đang ở quanh mức cao của gần hai tuần trong phiên 17/6 cũng tạo áp lực giảm giá lên vàng. Đồng bạc xanh đang được được hỗ trợ bởi số liệu bán lẻ lạc quan của Mỹ.
Theo thống kê mới nhất, doanh thu bán lẻ tháng Năm tại Mỹ tăng 0,5% nhờ các hộ gia đình mua thêm xe và các loại hàng hóa khác, trong khi số liệu của tháng Tư vừa qua đã được điều chỉnh tăng 0,3% thay vì giảm 0,2% như công bố trước đó. Điều này cho thấy sự hồi phục trong hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ có thể làm giảm bớt những lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm tốc trong quý 2 này.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này lùi 0,2% xuống 14,84 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng 0,4% lên 801,77 USD/ounce./.