Giá vàng tại thị trường châu Á giảm xuống mức thấp hơn một tháng vào phiên 27/9, bị tác động bởi đồng USD mạnh lên khi thị trường thực hiện các điều chỉnh theo kịch bản lãi suất tăng.
Chiều 27/9, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.896,43 USD/ounce, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 22/8. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3% xuống 1.914,40 USD/ounce.
Đồng USD đứng vững ở mức cao nhất trong 10 tháng so với các đồng tiền chủ chốt khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục tăng do triển vọng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
[Nỗi lo lãi suất tăng cao bao trùm các thị trường châu Á]
Người đứng đầu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bang Minneapolis, Neel Kashkari cho biết, có 40% khả năng ngân hàng này sẽ phải tăng lãi suất một cách “đáng kể” để đánh bại lạm phát.
Chiến lược gia thị trường của IG Yeap, Jun Rong cho biết câu chuyện về lãi suất cao hơn sẽ duy trì trong thời gian dài hơn dường như đang lấn át dòng chảy đầu tư vào các kênh trú ẩn an toàn như vàng.
Theo ông Jun Rong, thị trường phải chờ đợi một loạt dữ liệu quan trọng, đáng chú ý là báo cáo việc làm tháng Chín và lạm phát, để đưa ra một số lý do biện minh rằng Fed có thể không thực hiện tăng lãi suất tại cuộc họp tới và có chính sách linh hoạt hơn để cắt giảm lãi suất nếu cần.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố vào ngày 29/9. Còn Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm hàng tháng vào ngày 6/10, và sau đó là báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày 12/10.
Trên thị trường Việt Nam, khép phiên 27/9, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,1-68,82 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Giá dầu tăng nhẹ
Giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng vào phiên giao dịch ngày 27/9, do thị trường tập trung vào việc nguồn cung thắt chặt giữa lúc sắp bước vào mùa Đông và nền kinh tế Mỹ hướng tới kịch bản “hạ cánh mềm.”
Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 74 xu Mỹ, tương đương 0,8%, lên 94,70 USD/thùng, sau khi tăng tới 1,03 USD vào giữa phiên. Còn giá dầu ngọt nhẹ chuẩn Tây Texas (WTI) của Mỹ cũng tăng 83 xu, tương đương 0,9%, lên 91,22 USD/thùng, sau khi trước đó ghi nhận mức tăng tới 1,11 USD.
Dữ liệu ngành năng lượng vừa công bố hôm 26/9 cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng khoảng 1,6 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với kỳ vọng của các nhà phân tích về mức giảm khoảng 300.000 thùng.
Tuy nhiên, thị trường tiếp tục lo lắng về việc tồn kho dầu thô của Mỹ tại Cushing, Oklahoma, trung tâm lưu trữ dầu mỏ của Mỹ, giảm xuống dưới mức hoạt động tối thiểu.
Điều này cũng có thể tạo áp lực tăng giá mới lên thị trường dầu vì nó sẽ làm căng thẳng thêm tình trạng thắt chặt nguồn cung do việc cắt giảm nguồn cung của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+.
Nhà phân tích Leon Li của CMC Markets cho biết: "Dữ liệu kinh tế từ các quốc gia ở châu Âu và Mỹ gần đây đã suy yếu... Giá dầu khó có thể vượt quá 100 USD/thùng trong ngắn hạn, nhưng dự kiến sẽ mạnh lên."
Ngoài ra, các nhà phân tích tại ANZ Research cho biết trong một lưu ý cùng ngày rằng lệnh cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel gần đây của Nga có nghĩa là “áp lực gia tăng nhu cầu dầu thô từ các nhà máy lọc dầu sẽ lớn hơn.”
Trong khi đó, người đứng đầu Fed bang Minneapolis Neel Kashkari cho biết, nhiều khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh mềm," nhưng cũng có 40% khả năng Fed sẽ cần phải tăng lãi suất một cách "đáng kể" để đánh bại lạm phát.
Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều
Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 27/9, khi lượng bán mạnh chứng kiến trong vài ngày đầu tuần đã giảm bớt nhưng các nhà giao dịch vẫn lo lắng về nền kinh tế khi Fed xem xét khả năng tăng lãi suất.
Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) dường như không thay đổi, nhưng ghi nhận mức giảm 3,7% kể từ đầu tháng Chín.
Giữa bối cảnh lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu của Fed và thị trường lao động có ít dấu hiệu dịu lại, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã cảnh báo rằng ngân hàng này sẽ cần phải thắt chặt tiền tệ hơn nữa để đạt được mục tiêu của họ.
Tuy nhiên, mặc dù nền kinh tế Mỹ vẫn đang vững ổn, ngày càng có mối lo ngại rằng các nhà chức trách có thể đẩy nền kinh tế nước này vào suy thoái trong năm tới nếu tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, với lãi suất đã ở mức cao nhất trong 22 năm.
Thị trường chứng khoán Tokyo của Nhật Bản cũng tăng nhẹ trong phiên này, nhờ hoạt động săn tìm cổ phiếu giá hời được đẩy mạnh nhờ sự hưng phấn tại thị trường Trung Quốc, bù đắp những tổn thất trước đó xuất phát từ nỗi lo sợ về tác động của việc Mỹ tiếp tục tăng lãi suất. Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 tăng 56,85 điểm (0,18%), lên mức 32.371,90 điểm.
Sắc xanh cũng thống lĩnh thị trường chứng khoán Hàn Quốc phiên 27/9, sau đợt giảm mạnh gần đây khi lo ngại về việc Fed tiếp tục tăng lãi suất và triển vọng kinh tế Mỹ. Chỉ số KOSPI tăng 2,1 điểm, tương đương 0,09%, đóng cửa ở mức 2.465,07 điểm, chấm dứt chuỗi 4 ngày giảm điểm liên tiếp trước đó.
Sau hai phiên đi xuống, thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) đã “lội ngược dòng” trong phiên này, với mức tăng 144,97 điểm (0,83%), lên 17.611,87 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,39%, tương đương 7,30 điểm, lên 1.901,98 điểm.
Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch 27/9, chỉ số VN-Index quay đầu tăng 15,89 điểm (1,4%), lên 1.153,85 điểm, bù lại những gì đã mất ở phiên trước đó. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 6,09 điểm (2,65%), lên 235,84 điểm./.