Giá vàng biến động quanh ngưỡng 2.000 USD mỗi ounce trong tuần qua

Những quan ngại về sự sụp đổ lan truyền trong ngành ngân hàng, cùng với đồn đoán việc Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất khiến giá vàng có lúc vượt trên mốc quan trọng 2.000 USD/ounce trong tuần qua.
Giá vàng biến động quanh ngưỡng 2.000 USD mỗi ounce trong tuần qua ảnh 1Vàng trang sức được bày bán tại một cửa hàng ở California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên ngày 24/3 trong một tuần đầy biến động sau khi chứng kiến kim loại quý này vượt trên mốc quan trọng 2.000 USD/ounce do những quan ngại về sự sụp đổ lan truyền trong ngành ngân hàng đã thúc đẩy nhu cầu tài sản an toàn, cùng với đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm dừng tăng lãi suất.

Khép phiên này, giá vàng giao ngay đã giảm 0,8% xuống 1.977,01 USD/ounce, sau khi tăng lên 2.002,89 USD/ounce lúc đầu phiên. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,6% xuống 1.983,80 USD/ounce.

Đồng USD tăng khoảng 0,5%, khiến vàng được giao dịch bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn cho khách hàng nước ngoài trong phiên 24/3.

[Giá vàng châu Á giảm trước khả năng Fed dừng tăng lãi suất]

Bart Melek, Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại công ty tài chính TD Securities, nhận định đồng USD mạnh lên và sự phục hồi của thị trường chứng khoán cùng với tâm lý ưa mạo hiểm là những yếu tố khiến vàng giảm giá. Tuy nhiên, vàng có thể tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ những diễn biến mang tính vĩ mô.

Các biện pháp giải cứu cho các ngân hàng đang gặp khó khăn đã phần nào xoa dịu lo ngại về sự lây lan vào đầu tuần, khiến vàng có xu hướng giảm tuần đầu tiên trong bốn tuần, giảm khoảng 0,5% xuống còn 1.977,18 USD/ounce trong phiên 20/3, dù cho vàng đã có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 là 2.009,59 USD/ounce, chỉ kém kỷ lục được thiết lập trong thời gian bắt đầu bùng phát đại dịch COVID-19.

Đà giảm của vàng tiếp tục nối sang phiên ngày 21/3 khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt.

Trong phiên này, giá vàng giao ngay đã giảm 2,1% xuống 1.938,19 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 2,1% xuống 1.941,10 USD/ounce.

Các nhà phân tích cho rằng các tài sản rủi ro, bao gồm chứng khoán và giá dầu, đã tăng trở lại sau cuộc giải cứu Credit Suisse làm dịu căng thẳng về khủng hoảng ngành ngân hàng. Điều đó làm cho vàng, vốn được sử dụng như một tài sản an toàn trong thời kỳ bất ổn tài chính, trở nên kém hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, giá vàng thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày 22/3 sau khi Fed “hạ giọng” trong kế hoạch nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát và cho biết chu kỳ nâng lãi suất sắp dừng lại.

Khép phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1,7% lên 1.973,52 USD/ounce, sau khi có thời điểm tăng đến 2%.

Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tăng 0,4% và đóng phiên ở mức 1.949,60 USD/ounce trước khi Fed thông báo quyết định lãi suất.

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Fed ngày 22/3 đã đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm), nhưng cho biết sẽ sớm dừng việc nâng lãi suất trong tương lai trong bối cảnh bất ổn trong lĩnh vực tài chính sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.

Nhưng trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed không có ý định giảm lãi suất trong năm 2023.

Chuyên gia Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered cho biết Fed đang phải cân bằng các rủi ro lạm phát và sự ổn định kinh tế, và cả hai yếu tố này đều có thể làm tăng nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng.

Vàng tiếp tục "lấp lánh" và ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 10/10/2022 trong phiên 23/3. Hợp đồng vàng giao tháng 4/2023 tăng 46,3 USD, hay 2,37%, lên 1.995,9 USD/ounce.

Giá vàng đã tăng hơn 7% trong tháng này và đang ở gần mức cao kỷ lục trên 2.000 USD/ounce ghi nhận hồi tháng 3/2020, trước những lo ngại xung quanh lĩnh vực tài chính và ngân hàng.

Bob Haberkorn, chiến lược gia tại công ty môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures (Mỹ) nhận định bất kỳ mối lo ngại nào về việc các ngân hàng Mỹ bị thiếu vốn xuất hiện sẽ là yếu tố giúp vàng tăng giá.

Các quan chức Fed cũng nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng tài chính đang trở nên tồi tệ hơn khi nhóm họp trong tuần này, một thực tế cho phép Fed tiếp tục tập trung vào việc giảm lạm phát bằng một đợt tăng lãi suất khác.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,1% xuống 23,07 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,7% xuống 977,776 USD/ounce, còn giá palladium giảm 0,7% xuống 1.420,40 USD/ounce./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục