Sáng nay (24/7), Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng giá bán USD lên mức mới là 23.284 đồng/USD, tăng 11 đồng so với phiên trước. Theo đó, giá USD tại ngân hàng thương mại tăng thêm 40-60 đồng, hầu hết các ngân hàng đều bán ra ở mức 23.300 đồng/USD.
Cụ thể, tính đến 14 giờ 30 chiều nay, ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, Vietcombank, VietinBank cùng niêm yết tỷ giá USD ở mức 23.220-23.300 đồng/USD, tăng 50 đồng so với chốt phiên giao dịch.
[Tỷ giá ngoại tệ "trôi về đâu" trong vòng xoáy chiến tranh thương mại]
Tương tự, BIDV cũng tăng 60 đồng/USD, hiện ngân hàng này giao dịch ở mức 23.215-23.295 đồng/USD. Agribank cũng tăng 50 đồng.
Trong sáng nay, các ngân hàng này cũng đã nhiều lần điều chỉnh tỷ giá.
Tại khối ngân hàng thương mại tư nhân, ACB và Eximbank niêm yết ở mức 23.200-23.300 VND, tăng 40 đồng; DongA Bank và Sacombank tăng 50 đồng, hiện hai ngân hàng này giao dịch ở mức 23.220-23.300 đồng.
Đáng chú ý, sáng nay giá USD được Sacombank nâng lên mức cáo nhất thị trường, giao dịch bán ra ở mức 23.310 đồng và mua là 23.210 đồng.
Sáng nay, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố đứng ở mức 22.654 đồng/USD, tăng 10 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-3%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần mà các ngân hàng thương mại được phép áp dụng là 21.974 - 23.334 đồng/USD.
Theo nhận định của các chuyên gia Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc các ngân hàng thương mại tăng tỷ giá cùng lúc với quyết định nâng giá bán USD của Ngân hàng Nhà nước là một phản ứng mang tính tâm lý tức thời chứ không hẳn do tác động từ yếu tố cung – cầu thực tế.
Liên quan đến câu hỏi vì sao Ngân hàng Nhà nước lại tăng tỷ giá bán ra vào lúc này, BVSC cho rằng đây là tín hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước quyết định tạm thời dừng việc bình ổn thị trường bằng cách bán ra USD với giá thấp. Trong hai tuần trở lại đây, theo một vài thống kê không chính thức, Ngân hàng Nhà nước ước tính đã bán ra khoảng 1 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối với giá bán được ấn định ở mức 23.050 đồng/USD.
Động thái bán ra này đã giúp tỷ giá VND/USD ổn định trở lại kể từ phiên ngày 5/7 đến nay bất chấp đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có xu hướng lao dốc mạnh trong các phiên gần đây.
Theo lãnh đạo chuyên trách Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh giá bán ra nói trên được đưa ra sau khi trạng thái ngoại tệ của hệ thống đã dương trở lại, đồng nghĩa với nhu cầu mua USD để bù đắp trạng thái của các ngân hàng thương mại không còn quá lớn. Do vậy, mục tiêu bình ổn thị trường của Ngân hàng Nhà nước đã tạm thời đạt được.
Tuy vậy, các chuyên gia BVSC cũng cho rằng, việc ngừng bán ra ngoại tệ với giá thấp đồng nghĩa với việc tỷ giá VND/USD sẽ được đẩy lên một mặt bằng mới cao hơn. Sau cú bật tăng mang tính tâm lý hai ngày nay, tỷ giá không giảm trở lại sẽ đồng nghĩa với việc VND đã giảm giá khoảng 2% so với cuối năm 2017.
BVSC nhận định động thái nêu trên của Ngân hàng Nhà nước nhằm mục đích đưa giá tỷ giá về đúng diễn biến của thị trường, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn chưa có động thái can thiệp chính thức nhằm chặn đà rơi của đồng nhân dân tệ trong những ngày gần đây.
"Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước đang tính đến kịch bản đồng nhân dân tệ có thể sẽ tiếp tục giảm giá thêm 1-2% nữa, nên chủ động đi trước để VND giảm giá thêm khoảng 1%." chuyên gia BVSC phân tích.
Chiều qua (23/7), Vụ trưởng Vụ Chính sách Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên tiếng về việc Ngân hàng Nhà nước đột ngột nâng giá bán ngoại tệ lên cao thay vì giữ ở mức bình ổn như trước đó là để tỷ giá diễn biến phù hợp hơn với tình hình thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ thị trường tại mức tỷ giá hợp lý.
Cũng theo ông Hà, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, phối hợp với các công cụ khác và sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô./.