Giá USD "đổ dốc" do tác động kép của Thông tư 15 và lãi suất 0%

Lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, việc giá USD giảm trong mấy ngày qua là do tác động của hai lần điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây.
Giá USD liên tục giảm mạnh. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thị trường ngoại tệ đã có một ngày biến động cực mạnh theo chiều đổ dốc, mất khoảng từ 130-200 đồng/USD. Trong ngày, các ngân hàng đã phải liên tục điều chỉnh bảng giá của mình, có ngân hàng điều chỉnh đến hơn 10 lần.

Lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, việc giá USD giảm trong mấy ngày qua là do tác động của hai lần điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây.

Giá USD tuột dốc không phanh

Đầu giờ sáng nay (8/10), Vietcombank niêm yết ở mức 22.350-22.450 đồng/USD, tuy nhiên đến 16 giờ 30 chiều nay chỉ còn 22.260 đồng/USD ở chiều bán ra và 22.160 đồng/USD ở chiều mua vào, giảm từ 190 đồng/USD. Thậm chí, có thời điểm cuối buổi sáng, USD chỉ còn còn 22.140 đồng và 22.240 đồng giá mua và bán, tức là giảm tới hơn 200 đồng/USD.

Trong khi đó, ở BIDV mức giá còn thấp hơn, với mức 22.150-22.250 đồng/USD, giảm 150 đồng/USD so với sáng nay. VietinBank cũng giảm 130 đồng/USD so với sáng nay, hiện ngân hàng này đang niêm yết ở mức 22.175-22.265 đồng/USD.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, mức giảm cũng không kém. Eximbank giảm tới 180 đồng/USD, hiện ngân hàng này đang niêm yết ở mức 22.140-22.260; trong khi đó giá bán USD tại ngân hàng ACB hôm nay cũng giảm 130 đồng, từ 22.400 đồng/USD xuống 22.270 đồng/USD.

Có thể nhận thấy mức giảm đồng loạt khá lớn ở tất cả các ngân hàng. Tỷ giá USD/VND bắt đầu giảm từ hôm 5/10 và tiếp tục giảm mạnh hơn trong mấy ngày gần đây.

Như vậy, tính từ hôm 4/10 (trước khi Thông tư 15 có hiệu lực) thì giá USD tại các ngân hàng đã giảm từ 200-250 đồng/USD. Mức tỷ giá này giữ một khoảng cách khá lớn và an toàn so với trần tỷ giá.

Các ngân hàng cho biết giá USD giảm do nguồn cung tăng lên sau khi Thông tư 15 siết việc găm giữ ngoại tệ có hiệu lực. Trước đó Ngân hàng Nhà nước đã đưa lãi suất huy động USD về mức 0%/năm với tổ chức và 0,25%/năm đối với cá nhân.

Tác động kép của các lần điều chỉnh

Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ra quyết định đưa lãi suất về 0% và ngay sau đó 1 tuần là Thông tư 15 ảnh hưởng lớn tới cả hai chiều cung và cầu ngoại tệ. Cả hai sự điều chỉnh trên cộng hưởng lại gây ra phản ứng của các ngân hàng và doanh nghiệp.

Thực tế tại nhiều ngân hàng cho thấy, thời gian qua, bên cạnh hiện tượng "găm giữ" ngoại tệ trong doanh nghiệp, các ngân hàng cũng thận trọng khi để trạng thái ngoại tệ ở mức cao. Đến nay, khi thị trường xuất hiện điều chỉnh, hoạt động bán ra cắt lỗ thể hiện và trạng thái ngoại tệ có phần giảm xuống.

Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cho biết, với nhiều biện pháp can thiệp dồn dập, Ngân hàng Nhà nước đang chứng tỏ sự quyết liệt trong việc chấn chỉnh và giảm động cơ "găm giữ" ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân, đẩy lùi tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Và phản ứng ban đầu của thị trường dường như đã đúng ý của nhà điều hành. Nhiều người đã đổ xô đi bán USD khi USD không còn được trả lãi nếu gửi vào ngân hàng, nhu cầu mua vào để phòng ngừa cũng giảm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Việc gửi tiết kiệm cũng đã thay đổi, nhiều doanh nghiệp, cá nhân có lượng USD lớn đã thông báo bán để chuyển qua gửi tiết kiệm VND. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của một ngân hàng, điều đó cũng không có nghĩa là tất cả các doanh nghiệp sẽ bán ra ngoại tệ khi lãi suất tiết kiệm USD bằng 0%. Ngược lại, trước áp lực biến động tỷ giá khi USD trên thế giới tăng mạnh, nhu cầu nắm ngoại tệ của doanh nghiệp vẫn còn.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho biết, trong quý 3, tỷ giá đã có biến động rất mạnh với động thái hai lần điều chỉnh liên tiếp với biên độ khá rộng từ Ngân hàng Nhà nước. Sau 2 quyết định phá giá, tỷ giá VND/USD đã mất giá khoảng 5% so với thời điểm đầu năm.

BVSC phân tích, việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đảm bảo sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, đồng thời đón đầu các tác động bất lợi của khả năng FED điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới.

Dự báo diễn biến tỷ giá trong quý 4, chuyên gia BVSC cho biết, so với cam kết của Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ đầu năm (chỉ phá giá tối đa 2% trong năm nay) thì hiện tỷ giá đã có mức biến động mạnh hơn rất nhiều. Diễn biến này có nguyên nhân rất lớn từ các yếu tố khách quan, đặc biệt là chính sách của FED đã khiến cho việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trở nên phức tạp và có phần bị động hơn hai năm trước rất nhiều.

Tuy nhiên, theo quan sát của BVSC, Ngân hàng Nhà nước đang rất nỗ lực để bảo toàn cam kết sẽ không có thêm đợt phá giá nào nữa từ giờ cho tới cuối năm.

"Trên thực tế, thị trường ngoại hối hiện cũng đã trở lại trạng thái khá ổn định, không còn hiện tượng tỷ giá tăng kịch trần. Với nỗ lực của nhà điều hành (thậm chí phải bán ngoại tệ từ quỹ dự trữ ngoại hối), chúng tôi thiên về khả năng sẽ không có thêm đợt phá giá nào từ nay đến cuối năm dù tại một số thời điểm, tỷ giá có thể có những đợt tăng căng thẳng mang tính ngắn hạn," chuyên gia của BVSC nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục