Cuốn tiểu thuyết hơn 400 trang không phải quá dài nhưng dung lượng thông tin nén trong đó rất nhiều. Đó còn là xúc cảm - một thứ xúc cảm đầy suy xét, vượt xa cái cách thức “xây để chống” hay nói gần nói xa. Tác phẩm là sự trải nghiệm của một người sống sâu sắc đã “tích góp” lại để tặng cho người đọc. Đọc "Giã từ" chắc chắn người đọc nào còn “ngây thơ” sẽ “giã từ” sự ngây ngô ở tuổi trưởng thành của mình. Một dòng đời... Câu chuyện xảy ra ở một tập đoàn kinh tế - văn hóa liên doanh với nước ngoài, phản ánh những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, khi con người dễ bị biến sắc theo lợi ích vị kỷ và đồng tiền. Nhưng không phải chỉ là chuyện một liên doanh mà chuyện của cả một giai đoạn mở cửa. Giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp, chân thiện và cái xấu xa, quỷ quyệt. Một dòng đời khá đen bạc, khá sóng gió từ bề mặt đến chiều sâu. Tất cả đầy căng thẳng. Từng nhân vật được tác giả dùng lối khơi sâu vào tâm hồn hoặc tâm địa. Những đen trắng khá rõ ràng. Khi viết về nhân vật Lê Đản, cái cách dấn vào mạch nghĩ của nhân vật rất xấu này đã làm cho người đọc không ít lần cảm thấy “rùng mình.” Việc mổ xẻ như “dẫn lối” cho độc giả vào trong những mưu đồ, những “cánh gà” của sàn diễn cuộc đời. Cách viết này không lạ nhưng lại làm cho tác phẩm rõ ràng sắc thái, không có kiểu đánh đố muốn hiểu thế nào cũng được. Khi Lê Đản nghĩ: “Nghề mát xa khiến những người hành nghề này như kẻ du mục” hay ông ta nghĩ về bản thân mình trong sự mãn nguyện đầy “mai mỉa” của văn sĩ: “Ưỡn ngực đi qua đi lại giữa hai hàng tiếp viên. Giá ai cũng oai hùng như gã thì chị em đâu đến nỗi khổ.” Đó còn là mối cảm thông chia sẻ với nhân vật Minh, con người chân chính của thời bao cấp. Con người nhân hậu và ngây thơ vì nhìn đời một chiều đơn giản đã bị Lê Đản dùng những mánh khóe ti tiện và hiểm độc để hạ uy tín và “dẹp đường” cho sự tiến thân của hắn. Tác giả gây sự bất ngờ cho bạn đọc khi ông viết về các ngang tắt làm ăn, mánh khóe lợi dụng báo chí, cách tổ chức ra các chuyện lình xình để hạ uy tín đối thủ. Những câu chuyện này khiến cho người đọc nghĩ đến việc “chuyển thể” thành phim truyền hình dài tập, pha tính chất vụ án sẽ khá hút người xem. Đó là các kiểu luồn lọt, tạo dựng, gây chuyện đáng… lạnh người. Chuyện nóng hổi, phập phồng Ông nói về những tờ báo phải tự hạch toán, hoặc không có vị thế lớn trong làng báo, nếu không thực hiện những chiêu thức thương mại bán báo, có ngày đình bản vì nợ tiền in: “Lũ tiêu cực ơi, liệu hồn, chúng tao đánh cho chúng mày tan tành xác pháo. Sai lầm, tội lỗi của chúng mày là cơ hội làm ăn của bản báo chúng tao…” Một số câu chuyện có trong thực tế nhiều người biết song được được nhà văn tập hợp lại súc tích trong một đoạn văn mà nghe thật xót lòng: Nào là chuyện thầy giáo nọ được phân công làm giám thị, chẳng lo biện phám giám thị cho tốt mà lén đem “camera” vào trường thi quay lén cảnh lộn xộn, sau đó tung lên mạng để rồi được tung hô như một anh hùng chống tiêu cực. Hay chuyện vợ chồng nhạc sĩ ghi âm lén cuộc nói chuyện của một nhạc sĩ kiêmquan chức…Một học trò “bẫy thầy” nói ra những câu không nên nói để thành vụ “gạ đổi tình lấy điểm.”.. Những chi tiết như kể trên làm cho cuốn sách sống động. Như những bài báo nóng hổi. Nhưng cùng có những nhân vật được xây dựng kiểu nhân vật ngỡ ta không thể nào chấp nhận được mà vẫn gặp đâu đó trong đời. Đó là nhân vật như Lý Ngồ Ngộ với kế hoạch: “Dù thế nào cũng phải trở thành con rể ông cục trưởng. Con đường tiến thân đang rộng mở trước mắt. Mà đàn bà con gái cũng qua tay mình biết bao nhiêu người rồi, có gì là quan trọng đâu. Cộng trừ qua lại, mình vẫn có lời.” Đó là những câu chuyện đời nóng hổi, cựa quậy, phập phồng. Một bạn đọc là giáo viên dạy Ngữ văn cấp Trung học phổ thông ở Hà Nội nói: "Đọc văn Phạm Việt Long thấy sự sắc sảo nhưng không hề gân guốc, thấy bộn bề đời sống nhưng vẫn có mạch nguồn mát lành để gợi về yêu tin. Hỏi ra, thì được biết, gần 10 năm trước, Phạm Việt Long đã bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ ngữ văn với đề tài về tục ngữ, ca dao."/.
"Giã từ" là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn. Cùng với cảm nhận, cuốn sách có tính khuynh hướng cao, thể hiện rõ quan điểm của nhà văn, có màu sắc lên án và chống lại một cách không khoan nhượng cái xấu, cái tiêu cực, vừa hấp dẫn, dễ đọc, nhiều người còn muốn gọi đây là một tiểu thuyết phóng sự, một mặt mạnh riêng của nhà văn Phạm Việt Long, nếu bạn đọc đã từng say mê cuốn "Bê trọc" của tác giả này. Nhà văn từng viết: "Tôi sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực, đồng thời vận dụng thêm các thủ pháp của phương pháp hiện thực huyền ảo, phương pháp tượng trưng, huyền thoại, ngụ ngôn... với hình thức giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào công chúng". |
Nguyễn Anh (Vietnam+)