Giá trứng tại Nhật Bản tăng kỷ lục khi dịch cúm gia cầm lây lan nhanh

Nhật Bản phải tiêu hủy 16 triệu con gia cầm mắc virus cúm, trong số này gà đẻ trứng chiếm hơn 90% dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trứng trầm trọng, đẩy giá trứng tăng cao nhất trong 30 năm.
Nhân viên kiểm dịch tiêu hủy gia cầm sau khi phát hiện ổ dịch tại một trang trại ở Hiroshima, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Giá trứng tại Nhật Bản đang tăng vọt khi mùa cúm gia cầm hiện tại chứng kiến con số kỷ lục 16 triệu con gia cầm bị tiêu hủy, ảnh hưởng đến cả lĩnh vực nhà hàng và các hộ gia đình vốn đang phải vật lộn với lạm phát hay giá cả tăng cao.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, gà đẻ trứng chiếm hơn 90% số gia cầm đang trong quá trình bị tiêu hủy dẫn đến hạn chế nguồn cung trứng và đẩy giá lên cao hơn.

Đợt bùng phát cúm gia cầm hiện nay đã lan rộng với tốc độ chưa từng thấy kể từ khi mùa cúm bắt đầu vào tháng 10/2022, với ít nhất 80 trang trại gia cầm ở 26 trong số 47 tỉnh, thành trên toàn nước Nhật.

Sau khi một ca mắc được xác nhận tại một trang trại, tất cả các gia cầm được nuôi tại đó sẽ bị tiêu hủy. Cơ sở chăn nuôi sẽ được vệ sinh và áp đặt các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.

Có thể mất từ 3-7 tháng để những trang trại như vậy có thể trở lại chăn nuôi gà như bình thường.

[Nhật Bản: Cúm gia cầm lây lan mạnh, 15 triệu con gia cầm bị tiêu hủy]

Mối lo ngại về sự thiếu hụt đang gia tăng dẫn đến việc ngày càng nhiều nhà hàng quyết định ngừng hoặc giảm cung cấp các món ăn làm từ trứng.

Các chi nhánh McDonald's Nhật Bản đã phải cảnh báo thực khách rằng họ có thể phải tạm dừng bán loại bánh mì kẹp thịt Teritama nổi tiếng trong cao điểm. Teritama là sự kết hợp của sốt teriyaki và tamago, tiếng Nhật có nghĩa là trứng.

Ngoài ra, các cửa hàng trên toàn quốc cũng điều chỉnh công thức làm bánh mì và salad của họ để tiết kiệm trứng.

Theo số liệu JA.Z-Tamago Co, công ty phụ trách hoạt động bán trứng trong nhóm hợp tác xã nông nghiệp JA, giá bán buôn cho mỗi kg trứng cỡ trung bình tại Tokyo kể từ ngày 2/3 là 335 yen (2,69 USD), mức cao nhất kể từ năm 1993 khi dữ liệu loại này lần đầu tiên được tổng hợp.

Một quan chức của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cho biết việc khôi phục hoạt động chăn nuôi gia cầm đang được tiến hành và các trang trại sẽ nối lại sản xuất vào đầu mùa Xuân.

Quan chức này cũng lưu ý sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để phục hồi số lượng trứng, vì các trang trại sẽ không trở lại 100% công suất ngay lập tức.

Dự kiến sẽ mất ít nhất sáu tháng cho đến khi nguồn cung trứng của Nhật Bản phục hồi trở lại mức cũ.

Mùa cúm gia cầm tại Nhật Bản thường kéo dài từ mùa Thu và Đông tới mùa Xuân năm tiếp theo.

Mùa cúm gia cầm hiện nay bắt đầu vào tháng 10/2022 - thời điểm cơ quan chức năng nước này xác nhận ca nhiễm cúm gia cầm với chủng độc lực cao là H5N1 đầu tiên tại một trang trại gia cầm ở tỉnh Okayama. Nguồn gốc bệnh xâm nhập vào Nhật Bản được cho là qua chim di cư.

Cúm gia cầm là một bệnh do virus hoành hành trên các loài gia cầm với tỷ lệ chết rất cao ở các trang trại chăn nuôi.

Mặc dù hầu hết các loại virus cúm gia cầm không lây truyền sang người, song một số biến thể, chẳng hạn như H5N1, có thể lây nhiễm sang người.

Hiện tại, H5N1 chỉ lây từ động vật sang người, nhưng các chuyên gia lo ngại sự tiến hóa của virus theo hướng truyền từ người sang người sẽ gây ra đại dịch toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục