Giá trị xuất khẩu thủy sản trong 7 tháng qua ước đạt 4,63 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 7/2018 ước đạt 663 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng qua ước đạt 4,63 tỷ USD.
Giá trị xuất khẩu thủy sản trong 7 tháng qua ước đạt 4,63 tỷ USD ảnh 1Chế biến cá thát lát xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 7/2018 ước đạt 663 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng qua ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018, chiếm 53,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hà Lan (56%), Đức (27,2%), Hong Kong (23,9%)...

Cũng trong tháng 7/2018, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy đạt 123 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 7 tháng qua đạt 984 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2017.

[Dự báo xuất khẩu thủy sản quý 3 đạt khoảng 2,7 tỷ USD, tăng 13%]

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, thuế nhập khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm khoảng 3-4% kể từ ngày 1/7/2018. Cụ thể, thuế nhập khẩu philê cá tra đông lạnh mã 03046290, giảm từ 10% xuống còn 7%, thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống còn 7%.

Mặt khác, việc Mỹ áp thuế 10% đối với tất cả các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, kết hợp với thuế suất 25% đối với các sản phẩm thủy sản của Mỹ dự kiến sang Trung Quốc đã có hiệu lực sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng giảm. Cụ thể, mức giá cao nhất hiện khoảng 25.000-27.000 đồng/kg (cá loại I) tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp..., giảm khoảng 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Bên cạnh đó, giá cá tra giống nhích nhẹ so với tháng trước do ảnh hưởng thời tiết, hiện ở mức 25.000-30.000 đồng/kg (cỡ 30 con/kg).

Hiện các nhà nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc tạm ngừng thu mua cá tra để tiêu thụ hết lượng hàng đã nhập trước đó. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp giảm khâu thu mua cá tra nguyên liệu từ các hộ nuôi dù đang trong giai đoạn thời tiết thuận lợi để thả đợt cá giống mới. Tuy nhiên, dự báo giá cá tra từ nay đến cuối năm sẽ vẫn ở mức có lãi cho người nuôi.

Trong khi đó, thị trường tôm nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng giá đối với tôm sú và chững giá với tôm thẻ chân trắng sau khi nhích nhẹ vào tháng trước.

Cụ thể, tại Bạc Liêu, tôm sú ướp đá nguyên liệu cỡ 30-40 con/kg dao động 170.000-190.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 50 con/kg khoảng 105.000 đồng/kg; cỡ 60 con/kg có giá 95.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg giá 72.000-75.000 đồng/kg.

Tại Sóc Trăng, Bến Tre, tôm thẻ chân trắng cỡ 50 con/kg có giá 113.000đồng/kg; cỡ 70 con/kg giá 100.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg gía từ 80.000-83.000 đồng/kg.

Đánh giá chung, dù có dấu hiệu hồi phục từ tháng trước, nhất là với tôm cỡ nhỏ 100 con/kg nhưng người nuôi thẻ chân trắng vẫn không có lãi bởi giá bán hiện tại tương đương với giá thành sản xuất. So với giá bán cùng thời điểm năm ngoái thì giá hiện vẫn thấp hơn khoảng 20.000 đồng/kg.

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do nhu cầu tại thị trường Mỹ sụt giảm bởi tồn kho cao, trong khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát tình trạng buôn lậu tôm. Tuy nhiên, theo dự báo, đến tháng 8 hoặc tháng 9, giá tôm thẻ chân trắng sẽ tăng khoảng 20% so với mức giá thấp nhất trong tháng 6/2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục