Giá trị xuất khẩu nhiều sản phẩm cây công nghiệp giảm mạnh

Theo Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, nhiều mặt hàng nông sản là sản phẩm từ cây công nghiệp xuất khẩu vẫn giảm mạnh như cao su, chè, hồ tiêu, điều; trong đó giảm mạnh nhất là hồ tiêu.
Giá trị xuất khẩu nhiều sản phẩm cây công nghiệp giảm mạnh ảnh 1Thu hoạch càphê ở Đắk Lắk. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhiều mặt hàng nông sản là sản phẩm từ cây công nghiệp xuất khẩu vẫn chứng kiến sự giảm mạnh như cao su, chè, hồ tiêu, điều…

Giảm mạnh nhất vẫn là mặt hàng tiêu. Giá trị xuất khẩu tiêu 7 tháng đạt 187.000 tấn với 405 triệu USD, giảm 6,5% về khối lượng và giảm 20,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân là do giá tiêu xuất khẩu giảm mạnh, với mức trên 16% so với cùng kỳ năm 2019, còn trung bình trên 2.130 USD/tấn.

Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu tiêu sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm cả về khối lượng và giá trị do chịu tác động kép từ đại dịch COVID-19 và dư cung.

Trong 5 thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam, bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đức, Pakistan và Hà Lan với khoảng 38% thị phần; chỉ có thị trường Hoa Kỳ có khối lượng xuất khẩu tăng, tuy nhiên do giá giảm nên giá trị thu được vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu ảm đạm cũng kéo theo giá tiêu tại thị trường trong nước trong tháng Bảy vừa qua giảm so với tháng trước. Cụ thể, giá tiêu tại Bà Rịa Vũng Tàu giảm 1.000 đồng/kg xuống mức 49.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông giảm 500 đồng/kg xuống 48.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai giảm 1.000 đồng/kg xuống 46.000 đồng/kg.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, giá tiêu giảm trong ngắn hạn do thương mại hồ tiêu toàn cầu đang bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

[Thị trường nông sản tuần qua: Giá cà phê tiếp tục tăng nhẹ]

Trong các tháng tới, sức mua được dự báo sẽ giảm từ thị trường châu Âu và Mỹ trước làn sóng COVID thứ 2 tại các thị trường này. Thêm vào đó, thảm họa thiên tai tại Trung Quốc, một trong các thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam, sẽ tác động đến nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của quốc gia này trong giai đoạn ngắn hạn.

Do đó, đơn vị này khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần lựa chọn các biện pháp thực thi và thanh toán hợp đồng nhằm giảm thiểu rủi ro, hạn chế các phát sinh thương mại quốc tế.

Có sự sụt giảm không kém so với tiêu là cao su. Khối lượng xuất khẩu cao su đạt 662.000 tấn, giá trị đạt 855 triệu USD, giảm 15,1% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam.

Mặt hàng này được dự báo trong ngắn hạn, thị trường cao su có thể khả quan khi chính phủ các nước chuyển hướng từ tập trung chống dịch COVID-19 sang nỗ lực khôi phục kinh tế. Bên cạnh đó, việc các nước mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu, từ đó tác động tích cực đến ngành cao su.

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su quốc tế (ANRPC), ngành cao su đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất do cuộc khủng hoảng của dịch COVID-19 và đang có những dấu hiệu phục hồi. Sau khi giảm 15% trong tháng Năm vừa qua, 5,3% tháng Sáu vừa qua; tiêu thụ cao su toàn cầu quý 3 này được dự báo sẽ tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2019 và ước tính sẽ chuyển hướng tăng từ tháng Bảy vừa qua.

Trong khi đó, nhu cầu trong và ngoài nước còn yếu, trong bối cảnh xung đột thương mại các nước lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cầu của các nguyên liệu đầu vào; trong đó, có mặt hàng cao su tự nhiên. Do vậy, trong thời gian tới, giá cao su tự nhiên xuất khẩu của Việt Nam khó có thể phục hồi như trước giai đoạn đại dịch COVID-19.

Với mặt hàng điều, tuy tăng mạnh về lượng xuất khẩu nhưng kim ngạch vẫn giảm. Khối lượng xuất khẩu hạt điều 7 tháng đạt 265.000 tấn với 1,72 tỷ USD, tăng 10,4% về khối lượng nhưng giảm 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Giá trị xuất khẩu nhiều sản phẩm cây công nghiệp giảm mạnh ảnh 2Công nhân chế biến hạt điều xuất khẩu tại công ty Phúc An. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 35%, 13% và 10,6% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.

Trong 6 tháng đầu năm 2020 giá trị xuất khẩu điều tăng mạnh nhất tại thị trường Nhật Bản với mức tăng gần 89%, ngược lại thị trường có giá trị xuất khẩu điều giảm mạnh nhất là Nga, giảm gần 41%. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm đạt 6.641 USD/tấn, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong quý 3 sẽ còn giảm sâu, vì cuối quý 2 và đầu quý 3 giá điều nhân xuất khẩu rất thấp.

Dự kiến sang đến quý 4 xuất khẩu điều nhân sẽ có khởi sắc vì vào những tháng cuối năm các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Ấn Độ, EU và Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu phục vụ nhu cầu các dịp lễ tết cuối năm.

Do vậy, các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam lưu ý khi ký các hợp đồng mua điều thô để sản xuất khi không cân đối được với giá bán điều nhân. Ngoài ra, nên bán điều nhân cho khách hàng uy tín, giao hàng cần đảm bảo chất lượng ổn định để tránh gặp rắc rối trong thực hiện hợp đồng và góp phần bảo vệ thương hiệu "Điều Việt Nam."

Tương tự như điều, mặt hàng chè tăng 1,3% về khối lượng xuất khẩu nhưng giảm 8,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019, đạt 12 nghìn tấn với giá trị đạt 19 triệu USD. Chè xuất khẩu sang nhiều thị trường giảm, đặc biệt là hai thị trường chính, bao gồm Pakistan và Đài Loan (Trung Quốc).

Với càphê thì có sự giảm nhẹ về khối lượng và giá trị xuất khẩu, đạt 1,06 triệu tấn với 1,8 tỷ USD, giảm 0,1% về khối lượng và giảm 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh tại các thị trường: Ba Lan, Bỉ và Nhật Bản; ngược lại giá trị giảm mạnh tại thị trường Anh và Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục