Theo báo cáo của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 17/3, giá trị tài sản của các gia đình ở nước này vào cuối tháng 12/2020 đã tăng lên mức kỷ lục 1.948 tỷ yen (18.000 tỷ USD), tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019, do đại dịch COVID-19 đã làm giảm mức chi tiêu và người dân tăng dự trữ tiền mặt.
Lượng tiền mặt và tiền gửi của các gia đình tăng 4,8%, lên mức kỷ lục 1.056 tỷ yen, chiếm 54,2% tổng giá trị tài sản.
Sự gia tăng trên một phần nhờ chương trình hỗ trợ tiền mặt 100.000 yen của chính phủ cho toàn bộ người dân nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế thông qua chi tiêu tiêu dùng.
[Chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản giảm gần 4% trong tháng Một vừa qua]
Giá trị số cổ phiếu mà các gia đình sở hữu tăng 0,7%, lên 198.000 tỷ yen sau ba quý giảm liên tiếp, khi các thị trường chứng khoán biến động do sự lây lan của đại dịch đã khiến hoạt động kinh tế sụt giảm trên toàn cầu.
Về phía doanh nghiệp, lượng tiền mặt và tiền gửi của các doanh nghiệp phi tài chính tăng 16,6%, lên mức cao kỷ lục 311.000 tỷ yen, cho thấy nhiều doanh nghiệp thận trọng trong chi tiêu và giữ tiền mặt do sự thiếu chắc chắn trong bối cảnh đại dịch.
Giá trị tài sản của doanh nghiệp đứng ở mức 1.275 tỷ yen, tăng 6,2%, trong khi tổng các khoản vay của các doanh nghiệp phi tài chính tăng 8,2%, lên 356.000 tỷ yen.
Chính phủ Nhật Bản và BoJ đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm ứng phó với đại dịch nhằm hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Để hạn chế tác động của đại dịch đến nền kinh tế, BoJ đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, mua lượng lớn tài sản, trong đó có trái phiếu chính phủ để hạ lãi suất xuống mức thấp./.