Giá trần vé máy bay đang kìm hãm sự tăng trưởng của hãng hàng không

Nếu việc bỏ giá trần vé máy bay nội địa thông qua, Nhà nước cần có các công cụ để giám sát, điều tiết chống độc quyền thao túng giá cả làm tổn hại đến người tiêu dùng.
Các hãng hàng không Việt Nam đều kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay nội địa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại diện các hãng hàng không và chuyên gia giao thông đều bày tỏ quan điểm và kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay nội địa nhằm đảm bảo đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng.

Tước đi cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận

Tại buổi Tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam tổ chức vào chiều 24/2, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Vietnam Airlines thông tin, hiện khung giá vé máy bay được quy định bởi Luật Hàng không và có giá trần giá sàn.

“Theo Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015 và từ đó đến nay dù các hãng hàng không đều phải báo cáo giải trình giá thành các yếu tố đầu vào thay đổi như thế nào, có những kiến nghị điều chỉnh trần giá vé nhưng tuyệt nhiên giá vẫn đóng khung từ đó đến giờ,” ông Thành ngan ngán nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xem xét điều chỉnh giá trên cơ sở đúng quy định pháp luật theo thực tế yếu tố đầu vào.

“Bỏ giá trần với những đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên nhưng vẫn duy trì sự quản lý Nhà nước nếu đường bay nào chỉ có 1 hãng khai thác. Bỏ giá trần hay nâng giá trần không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng,” ông Quân nhấn mạnh.

[Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bỏ trần giá vé máy bay nội địa]

Theo quan điểm của ông Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông, giá trần vé máy bay còn tồn tại đến nay là sự vô lý khủng khiếp và cần chấm dứt càng sớm càng tốt.

Lý giải điều này, ông Nam dẫn chứng, trên thế giới không nước nào quản lý vé bay bằng giá trần (đơn cử như Thái Lan, Indonesia, riêng Trung Quốc thì Nhà nước phê duyệt giá vé máy bay, không có hàng không giá rẻ nên không có giá trần…). Giá vé trần đã tước đi các hãng bay cơ hội về tăng doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn cao điểm (giai đoạn Hè vào tháng 6-7 và dịp Tết chỉ cao điểm 1 chiều).

“Nếu bỏ giá trần thì các hãng cải thiện được các giai đoạn thấp điểm. Giá trần kìm hãm sự tăng trưởng của hàng không nội địa vì thị trường này hoàn toàn không phụ thuộc vào giá vé đắt. Quan điểm là sửa Luật, Nghị định bỏ trần giá vé cho thị trường quyết định dựa trên nền kinh tế thị trường,” ông Nam nói.

Vẫn phải giám sát, chống độc quyền thao túng giá

Bổ sung thêm, ông Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết giá cả dịch vụ hàng không khác giá cả hàng hóa thông thường bởi giá hàng hóa thông thường niêm yết giá và mặc cả được, còn mua vé máy bay đến khi mua mới biết giá bao nhiêu.

Ngoài ra, ông Đạt nhìn nhận giá dịch vụ hàng không xét phương diện cấu trúc giá vé phức tạp hơn rất nhiều khi phụ thuộc nhiều giá nguyên nhiên liệu, thuê tàu bay, nhân lực, biến động tỷ giá…

“Rất ít nước trên thế giới áp giá sàn và trần vé bay, sớm hay muộn nên bỏ giá trần và có công thức điều hành giá và tạo khung dao động đảm bảo mức độ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch phù hợp với lợi ích của người dân. Cơ chế quản lý giá có yếu tố đặc thù nên tham khảo kinh nghiệm của các nước để đảm bảo sự phát triển của ngành hàng không ổn định lâu dài bền vững,” ông nói.

Các đại biểu tham dự tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" vào chiều 24/2. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cho rằng giá vé phải có nhìn nhau giữa các hãng hàng không Việt và kịp thời có kiến nghị điều chỉnh, từ đó, ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương đưa ra chính kiến nên có một ủy ban độc lập về quản lý hàng không, trong đó có các thành viên độc lập chịu trách nhiệm về pháp lý trên cơ sở đó các hãng có đề xuất và điều chỉnh giá vé linh hoạt, nhanh nhạy, kịp thời hơn so với thị trường thế giới để phản ánh đúng đủ các biến số đầu vào như giá xăng dầu bay, biến động của tỷ giá. Đơn cử như cơ chế giá xăng dầu đã có sự điều chỉnh giữa liên Bộ Tài chính và Công Thương.

[Hãng hàng không và 'thượng đế' được lợi gì khi bỏ trần vé máy bay?]

“Vì thế, cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét có sự điều chỉnh thích nghi để cơ chế quản lý giá bám sát với thị trường, phản ánh diễn biễn của thị trường, là công cụ cạnh tranh của các hãng bay. Với nỗ lực của Nhà nước, thay đổi cơ chế điều chỉnh giá, tới đây kỳ vọng tình hình thị trường hàng không có cải thiện và tiến bộ mới,” ông Doanh nói.

Ủng hộ bỏ khung giá trần để tạo sân chơi theo luật thị trường tạo nền tảng phát triển lành mạnh cho hãng bay, tuy nhiên ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng lưu ý, Nhà nước cần có các công cụ để giám sát, điều tiết chống độc quyền thao túng giá cả làm tổn hại đến người tiêu dùng.

Dẫn giải các nước trên thế giới Nhà nước chỉ quản lý dịch vụ độc quyền và chứ không quản lý các dịch vụ cạnh tranh đồng thời kiến nghị Nhà nước bỏ giá trần, không có giá sàn, theo ông Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế, các hãng hàng không đừng “dại dột ngồi với nhau” về thỏa thuận giá vì như thế sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh./. 

Theo Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015, áp dụng cho 5 nhóm đường bay, với mức giá vé 1,6-3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với các đường bay có sự cạnh tranh của từ 3 hãng trở lên sẽ giúp các hãng hàng không chủ động hơn trong việc triển khai dải giá vé linh hoạt theo từng giai đoạn.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục