Giá trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng rất cao

Hiện nay, giá nhiều loại trái cây ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức rất cao khiến người dân vô cùng phấn khởi.
Giá trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng rất cao ảnh 1Tiểu thương chọn vú sữa giao cho khách hàng tại chợ trái cây Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang). (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)

Hiện nay, giá nhiều loại trái cây ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức rất cao khiến người dân vô cùng phấn khởi.

Giá sầu riêng các loại đang được thương lái bán lẻ tại các chợ có mức giá từ 60.000 đến 70.000 đồng/kg và mua tại vườn của nông dân cũng có giá từ 40.000 đến 45.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Các loại bưởi Da xanh và Năm roi cũng được thương lái bán lẻ với giá từ 60.000 đến 65.000 đồng/kg đối với bưởi loại I và 50.000 đồng/kg đối với bưởi loại II.

Cam xoàn có mức giá 40.000 đồng/kg, cam xành 35.000 đồng/kg, cam mật 30.000 đồng/kg. Chôm chôm giống trong nước có giá khoảng 40.000 đồng/kg và 80.000 đồng/kg đối với các giống ngoại nhập của Thái Lan và Indonesia.

Riêng chỉ có xoài vẫn giữ giá tương đương như các năm trước, từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, tùy theo giống xoài Cát Chu hay xoài cát Hòa Lộc. Còn giống xoài Đài Loan do năm nay diện tích và sản lượng thu hoạch tăng mạnh nên giá bán giảm nhẹ, khoảng 15.000 đồng/kg.

Theo các thương lái, nguyên nhân giá các loại trái cây tăng cao là do mới bước vào vụ thu hoạch với sản lượng thu hoạch còn it. Mặt khác, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn trong năm 2016 khiến nhiều diện tích vườn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng; trong đó thiệt hại nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang, Hậu Giang.

Theo ngành nông nghiệp các địa phương, trong đợt hạn, mặn lịch sử trong năm qua có đến hàng nghìn ha vườn cây ăn trái các loại ở khu vực này bị chết phải đốn bỏ. Trong đó nhiều nhất là các loại cây ăn trái như cam các loại, bưởi, sầu riêng, chôm chôm..., tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang.

Bên cạnh đó, thời tiết vừa qua diễn biến thất thường khiến sản lượng cây ăn trái giảm, nhiều nông dân không thể cho trái cây ra trái mùa, sản lượng giảm; đồng thời tình hình xuất khẩu cây ăn trái đang tăng mạnh so với cùng kỳ.

Giá trái cây tăng cao giúp nhiều nhà vườn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có được lợi nhuận cao hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, số lượng các nhà vườn thu được lãi cao tập trung chủ yếu ở các địa phương không bị ảnh hưởng của hạn, mặn, chủ động được nguồn nước ngọt và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc như ở các tỉnh Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ và một số địa phương của các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Hiện nay, nhiều nhà vườn các địa phương đang phá bỏ các vườn cây ăn trái bị chết, cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn trái đặc sản với mong muốn tiếp tục bán được giá cao trong thời gian tới.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục