Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhà nông trồng cây hồ tiêu ở tỉnh Bình Phước tất bật vào vụ thu hoạch.
Đặc biệt, năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, giá tiêu liên tục tăng gần gấp đôi năm ngoái khiến người dân rất phấn khởi trong những ngày đầu Xuân.
Theo nhiều hộ dân trồng tiêu, niên vụ năm 2021, giá trung bình chỉ dao động ở mức từ 40.000-45.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những ngày đầu Xuân Nhâm Dần 2022 giá tiêu ở mức trên 85.000 đồng/kg đã mang lại niềm vui cho nhà vườn sau những năm giá thấp kỷ lục. Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn còn dự đoán sản lượng cũng tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ghi nhận tại huyện biên giới Bù Đốp, là một trong những địa phương có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất của tỉnh Bình Phước. Ngay từ ngày mồng 6 Tết đến nay, nhiều nhà vườn đã nhanh chóng thuê nhân công lao động từ khắp nơi để thu hoạch hồ tiêu chín đỏ trên cây.
Hộ gia đình ông Giang Văn Phúc ở xã Thiện Hưng đã nhiều năm gắn bó với cây hồ tiêu đang trong vườn vào vụ thu hoạch rất phấn khởi vì giá lên cao hơn năm trước. Theo ông Giang Văn Phúc, với diện tích đất của gia đình được hơn 3ha, trong đó trồng tiêu khoảng 2ha.
Vụ mùa năm trước theo giá thị trường cùng thời điểm này chỉ từ 40.000-45.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào thời điểm đầu năm 2022 giá tiêu đã lên được 90.000 đồng/kg. Tổng sản lượng năm ngoái chỉ được 4 tấn do ảnh hưởng của thời tiết. Năm nay, dù mới thu hoạch được vài ngày, nhưng gia đình dự kiến sẽ thu được từ 5-6 tấn hạt tiêu.
Ông Giang Văn Phúc cho biết hiện nay gia đình ông chăm sóc tiêu theo tiêu chuẩn tiêu sạch. Ông chỉ sử dụng phân hữu cơ, sử dụng thuốc an toàn, trồng cỏ thêm trong vườn để hạn chế sâu hại tấn công. Trong thời gian qua, giá tiêu xuống thấp nhiều hộ bỏ bê hoặc chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập nhưng gia đình ông vẫn quyết tâm duy trì giữ cây tiêu. Nếu đầu tư cây khác thì mất thời gian, tiền công đầu tư cây giống, phân bón, công chăm sóc... sẽ tốn một khoản lớn.
“Dù giá thu mua đã có chiều hướng tăng cao hơn so với vài năm trước, nhưng gia đình tôi cũng như bà con trồng tiêu vẫn rất mong muốn giá cao hơn nữa bởi do dịch bệnh liên tục, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian gần đây giá lên cao. Nguy cơ người dân không trụ nổi để duy trì chăm sóc tiêu nếu giá thấp hơn," ông Phúc chia sẻ thêm.
[Bà Rịa-Vũng Tàu: Nhà vườn phấn khởi vì hồ tiêu được giá]
Còn chị Nguyễn Thị Mỳ ở xã Hưng Phước cũng không giấu nỗi vui mừng khi giá tiêu đã khởi sắc sau nhiều năm tuột dốc không phanh. Năm nay, hồ tiêu có giá hơn nên người dân trong vùng ai ai cũng phấn khởi.
Chị Nguyễn Thị Mỳ cho biết tiêu năm nay được giá hơn năm ngoái, chi phí chắc sẽ đỡ hơn năm ngoái. Mấy năm trước, giá thu mua tiêu vừa rẻ vừa năng suất kém nên chi tiêu trong gia đình cũng khó khăn. Đầu năm 2022, giá thu mua tiêu được lên cao hơn nhiều so với năm trước nên vào vụ đầu Xuân Nhâm Dần bà con trồng tiêu ai ai cũng đỡ lo thu không bù chi như năm trước.
Ngoài ra, theo chị Mỳ, giá tiêu cao hơn năm ngoái sẽ giúp cho việc chi trả phân bón, nhân công giảm ít áp lực cho người dân hơn. So với năm trước giá thấp, sau khi trừ chi phí từ nhân công đến phân bón không còn lãi nhiều. Gia đình chị Mỳ chỉ có canh tác trồng tiêu nên trong thời giá thấp đã nuôi thêm đàn dê để tận dụng phụ phẩm thức ăn từ lá cây trụ sống. Số đàn dê duy trì từ 40-50 con trong năm đã giúp gia đình cân bằng thu nhập kinh tế, bám trụ đầu tư 2.000 trụ tiêu cho đến nay.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bù Đốp, cho biết đối với huyện Bù Đốp nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung, năm nay giá hồ tiêu lên cao nên nông dân rất phấn khởi hơn so với 2, 3 năm trước đây. Trong những năm vừa qua, giá cả thu mua hồ tiêu thấp nên sự tập trung và chú trọng đầu tư của người dân là rất ít.
Tuy nhiên, hiện nay một số vườn tiêu vẫn giữ rất đẹp, người dân vẫn giữ được diện tích, tập trung về vấn đề kỹ thuật đầy đủ và bài bản nên năng suất vẫn tương đối cao. Những vườn tiêu nào quá kém bà con nên chuyển đổi một số cây trồng khác hoặc trồng tạm thời một số cây ngắn ngày để tái canh lại cây tiêu.
Ngoài ra, theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Bắc, cây hồ tiêu không giống như cây trồng khác, để giữ vườn thực sự ổn định, lâu dài đòi hỏi nhà nông phải có kiến thức trồng và yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe.
Ngoài ra, những năm qua do giá thấp, nhiều hộ không chú trọng chăm vườn, thăm vườn nên một số diện tích tiêu chết, sâu bệnh đồng loạt, kém năng suất, diện tích giảm... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vườn chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật không bỏ qua khâu nào nên vườn tiêu vẫn xanh tốt và cho ra kết quả thu hoạch ổn định.
Hồ tiêu là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Phước với diện tích gần 16.000ha. Trong những năm qua, mục tiêu phát triển hồ tiêu bền vững là trọng tâm định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh trong tái cơ cấu nông nghiệp theo chủ trương.
Trước giá tiêu dần phục hồi, ngành nông nghiệp Bình Phước đã khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích để đảm bảo quy hoạch; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "nông nghiệp sạch," xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường, các chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp công nghệ cao... giúp người trồng tiêu ổn định cuộc sống, tránh điệp khúc chặt-trồng chạy theo giá cả của các mặt hàng nông nghiệp khác./.