Giả thuyết mới về hoạt động di cư qua phân tích bộ hài cốt 7.000 năm

Các giả thuyết về hoạt động di cư sớm của con người tại châu Á có thể thay đổi sau phát hiện về các dấu vết di truyền thu thập được trên hài cốt của một thiếu nữ qua đời cách đây hơn 7.000 năm.
Giả thuyết mới về hoạt động di cư qua phân tích bộ hài cốt 7.000 năm ảnh 1Các nhà khoa học tiến hành khai quật ở Nam Sulawesi, Indonesia. (Nguồn: Handout)

Các dấu vết di truyền thu thập được trên hài cốt của một thiếu nữ qua đời cách đây hơn 7.000 năm đã hé lộ manh mối đầu tiên về sự giao phối giữa những người cổ đại ở Indonesia với những người từ Siberia xa xôi có thể diễn ra sớm hơn nhiều so với các suy luận trước đây. 

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature, bộ hài cốt này được xác định là của một thiếu nữ khoảng 17-18 tuổi. Các giả thuyết về hoạt động di cư sớm của con người tại châu Á có thể thay đổi sau phát hiện này.

Các nhà khảo cổ cho biết họ đã thu thập mẫu ADN của thiếu nữ này vốn được chôn cất theo nghi lễ trong một hang động đá vôi tại tỉnh Nam Sulawesi, Indonesia, cách đây hơn 7.000 năm. Đây là một trong số ít các mẫu ADN được bảo quản tốt nhất từng được tìm thấy ở vùng nhiệt đới.

[Phát hiện dấu vết của một loài người tiền sử mới tại Israel]

Kết quả phân tích cho thấy thiếu nữ này có tổ tiên là người Austronesia, chủ yếu sinh sống tại khu vực Đông Nam Á, châu Đại Dương và một phần có nguồn gốc chủng người Denisova.

Các phân tích di truyền cho thấy chủng người từ thời kỳ tiền đồ đá mới này đại diện cho một chủng người khác chưa từng được biết đến trước đây của con người.

Trước khi phát hiện bộ hài cốt và thực hiện nghiên cứu này, giới khoa học cho rằng các chủng người Bắc Á như người Denisova chỉ xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á khoảng 3.500 năm trước.

Kết quả phân tích ADN của bộ hài cốt trên đã làm thay đổi lý thuyết về hoạt động di cư sớm của loài người. Phát hiện mới cũng có thể cung cấp thông tin chi tiết về nguồn gốc của người Papua và người Australia bản địa - những người có chung ADN với chủng người Denisova. 

Thành viên nhóm nghiên cứu, giảng viên Iwan Sumantri tại Đại học Hasanuddin ở Nam Sulawesi, cho biết các thuyết về di cư sẽ thay đổi khi các thuyết về chủng tộc thay đổi.

Ông cũng lưu ý thêm rằng bộ hài cốt của thiếu nữ trên hé lộ manh mối đầu tiên về việc người Denisova từng sống với người Austronesia - một chủng người lâu đời nhất của Indonesia.

Người Denisova là một chủng người cổ đại được đặt tên theo hang động ở Siberia, nơi hài cốt của họ lần đầu tiên được tìm thấy vào năm 2010. Hiện giới khoa học chưa có nhiều thông tin hay nghiên cứu về chủng người này, ngay cả chi tiết về sự xuất hiện của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục