Một nghiên cứu mới cho thấy, Lenacapavir - thuốc kháng virus thế hệ mới được dùng để điều trị cho bệnh nhân HIV - có khả năng "thay đổi cuộc chơi" trong cuộc chiến chống lại "căn bệnh thế kỷ."
Cụ thể, ngày 23/7, các nhà nghiên cứu cho biết Lenacapavir - một loại thuốc thế hệ mới được dùng để điều trị HIV và được coi như loại thuốc “giống vaccine,” hiện có giá hơn 40.000 USD để điều trị cho một người/năm, có thể được sản xuất với giá chỉ 40 USD.
Các thử nghiệm ban đầu cho thấy phương pháp điều trị bằng loại thuốc nói trên có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa nhiễm HIV. Ngoài ra, việc chỉ cần tiêm 2 lần/năm khiến việc sử dụng thuốc Lenacapavir trở thành phương pháp dễ dàng hơn nhiều so với việc sử dụng thuốc uống hằng ngày.
Tuy nhiên, việc điều trị bằng loại thuốc này khiến bệnh nhân tiêu tốn hơn 40.000 USD mỗi năm tại nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Na Uy và Australia.
Tại Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS ngày 23/7 ở Munich (Đức), ông Andrew Hill - nhà nghiên cứu tại Đại học Liverpool (Anh) đã trình bày một nghiên cứu mới về khả năng giảm mạnh chi phí sản xuất thuốc nếu Tập đoàn dược phẩm Gilead của Mỹ cho phép các hãng dược phẩm khác trên thế giới sản xuất những phiên bản mới với giá cả phải chăng.
Theo nghiên cứu trên, dù chưa được bình duyệt bởi các chuyên gia và kiểm tra trước khi công bố, số tiền để sản xuất loại thuốc này trong một năm có thể có giá chỉ 40 USD, thấp hơn 1.000 lần so với giá hiện tại.
Mức giá này dựa trên khối lượng sản xuất để điều trị cho 10 triệu người.
Nghiên cứu mới được công bố chỉ một ngày sau khi Giám đốc điều hành UNAIDS, bà Winnie Byanyima, kêu gọi tập đoàn Gilead “làm nên lịch sử” với việc đưa Lenacapavir vào Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc (MPP) do Liên hợp quốc hậu thuẫn, cho phép phiên bản mới với giá rẻ hơn của thuốc này được cấp phép bán ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Về phần mình, Công ty Gilead chưa tiết lộ sẽ tính phí như thế nào ở các nước đang phát triển, hoặc những quốc gia có thể tiếp cận được các phiên bản mới của Lenacapavir.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm ngoái, thế giới ghi nhận khoảng 1,3 triệu ca nhiễm mới, tăng 100.000 ca so với năm 2022.
Dù giảm đáng kể so với mức đỉnh 3,3 triệu ca vào năm 1995, song xu hướng dài hạn vẫn còn cách xa mục tiêu của Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) là giảm xuống 330.000 ca nhiễm mới vào năm 2025./.
Thêm hy vọng về khả năng chữa khỏi bệnh HIV/AIDS
Các nhà nghiên cứu cho biết gần 6 năm sau, virus HIV không còn tồn tại trong máu của bệnh nhân và cũng không còn dấu hiệu của bệnh bạch cầu.