Tại cuộc họp giao ban tháng Tư của Tổng cục thủy sản vừa tổ chức sáng nay (9/5), ở Hà Nội, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, trong tháng sản xuất của ngành tiếp tục gặp khó khăn do hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế chưa rõ nguyên nhân cũng đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của ngư dân.
Tuy nhiên, trong tháng giá thu mua tôm và cá tra có tăng nhẹ, người nuôi bắt đầu có lãi.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết, thời gian qua xâm nhập mặn cũng có ảnh hưởng lớn đến các hoạt động nuôi trồng thủy sản nước ngọt, tuy nhiên không đáng kể đối với tôm nuôi đặc biệt là tôm nuôi nước lợ. Tình hình sản xuất tôm nuôi nước lợ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tăng trưởng khá. Tôm sú duy trì được ưu thế hơn so với tôm thẻ chân trắng.
Theo ông Cẩn thời tiết còn diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ và độ mặn ở các vùng nuôi khá cao, người dân nuôi tôm có xu hướng chậm thả giống đối với diện tích nuôi thâm canh/bán thâm canh chờ thời tiết ổn định.
Cụ thể, diện tích thả nuôi tôm lũy kế đạt 552.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú chiếm 530.000 ha, bằng 101,9% so với cùng kỳ, diện tích nuôi tôm chân trắng là 22.000 ha bằng 89,8% so với cùng kỳ.
Sản lượng thu hoạch khoảng 81.000 tấn, trong đó tôm sú 50.000 tấn, tương đương 111%, tôm chân trắng 30.000 tấn, tương đương 88,6% cùng kỳ.
Theo đó, giá tôm thương phẩm vẫn có xu hướng tăng nhẹ tại một số tỉnh, hiện tại Trà Vinh tôm sú loại 30 con/kg giá 140.000 đồng/kg-150.000 đồng/kg, tôm chân trắng 100 con/kg có giá từ 96.000 đồng/kg-100.000 đồng/kg; tại Bạc Liêu, tôm chân trắng tăng nhẹ lên mức 105.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg loại 100 con/kg).
Bên cạnh đó, giá thu mua cá tra đã tăng, hiện giá trung bình khoảng 22.000 đồng/kg, người nuôi đã bắt đầu có lãi nên tập trung thả giống. Ở một số địa phương và tại một số thời điểm thiếu cá giống cỡ lớn (loại 20-30 con/kg)..
Diện tích hiện nuôi đạt 2.415 ha (bằng 98,4% so với cùng kỳ). Sản lượng thu hoạch 282.000 tấn (bằng 90,7 % so với cùng kỳ).
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác, tháng Tư, thời tiết khá thuận lợi cho việc ra khơi, giá các mặt hàng hải sản tương đối ổn định, giá xăng dầu giảm và hiện đang là thời gian vào vụ cá Nam nên hoạt động khai thác thủy sản biển trong tháng khá sôi động.
Tuy nhiên, từ ngày 6/4 các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng và cá tự nhiên chết bất thường, đến nay chưa xác định được nguyên nhân khiến các hoạt động khai thác và tiêu thụ hải sản của ngư dân gặp khó khăn.
Trước tình hình đó, chỉ đạo tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm tháng Năm, các đơn vị cần tham mưu cho Tổng cục tiếp tục chỉ đạo sản xuất các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản và kiểm ngư.
“Đặc biệt, tiếp tục khẩn trương thực hiện các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ để tham mưu cho Bộ, Chính phủ xử lý hiện tượng cá chết tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và sớm khôi phục sản xuất cho bà con ngư dân,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh./.
Ước tổng sản lượng thủy sản tháng Tư đạt 569.000 tấn tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong số đó, sản lượng khai thác 332.800 tấn, sản lượng nuôi trồng 236.200 tấn. Lũy kế 4 tháng, tổng sản lượng thủy sản đạt 1,840 triệu tấn tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2015 (sản lượng khai thác tăng 3,5%, sản lượng nuôi trồng tăng 1,1 %).Ước giá trị xuất khẩu thủy sản tháng Tư đạt 564 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 1,97 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2015.