Giá thịt lợn vẫn ở mức cao do còn nhiều khâu trung gian

Một trong những nguyên nhân khiến giáthịt lợn vẫn cao là do nhiều cơ sở giết mổ, đặc biệt là người giết mổ nhỏ lẻ, không được tiếp cận được nguồn hàng trực tiếp từ doanh nghiệp xuất bán ra thị trường.
Giá thịt lợn được niêm yết tại siêu thị BigC. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Ngày 3/4, giá lợn hơi ở nhiều địa phương tiếp tục giảm nhẹ sau khi các doanh nghiệp lớn đồng loạt đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg.

Tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 76.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo ghi nhận, giá thịt lợn tại các chợ vẫn ở mức cao.

Các chuyên gia cho biết, giá thịt lợn vẫn ở mức cao do còn qua nhiều khâu trung gian.

Tại siêu thị Big C Thăng Long, ngày 3/4, giá thịt rọi loại 1 là 185.000 đồng/kg, sườn non 207.000 đồng/kg, thăn 162.000 đồng/kg, nạc dăm 180.000 đồng/kg...

Sản phẩm thịt lợn của Meat Deli được bán với giá nạc thăn 142.000 đồng/kg, thịt vai 154.000 đồng/kg, thịt đùi 154.900 đồng/kg, sườn thăn 295.900 đồng/kg, đuôi lợn 243.000 đồng/kg, móng giò 229.900 đồng/kg…

Với sản phẩm thịt lợn CP tại siêu thị Big C Thăng Long hôm nay, giá nạc vai 170.000 đồng/kg, bắp giò 156.000 đồng/kg, nạc vai 165.000 đồng/kg, xương đuôi lợn 66.000 đồng/kg, xương ống 35.000 đồng/kg…

Về giá các sản phẩm thịt lợn mang thương hiệu CP tại các siêu thị, đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, thực hiện cam kết với Chính phủ, công ty đã thực hiện giảm giá bán lợn thịt 5.000 đồng/kg và áp dụng cho tất cả các khách hàng.

Như vậy, kể từ ngày 1/4, giá lợn thịt thương phẩm của công ty là 70.000 đồng/kg.

Với các siêu thị, công ty cung cấp lợn hơi theo giá hợp đồng thương mại hàng năm và có điều chỉnh theo các giai đoạn đặc biệt.

Công ty cũng đã thực hiện việc giảm giá bán lợn hơi cho các đơn vị từ 1/4. Còn giá bán trực tiếp cho người tiêu dùng của các siêu thị không do công ty quyết định.

Sản phẩm của công ty bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng qua cửa hàng CP Freshmart. Đây là cửa hàng giới thiệu sản phẩm công ty hơn là bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Các sản phẩm ở đây có giá tốt và có nhiều sản phẩm khuyến mại.

[Đi tìm lời giải cho câu hỏi thịt lợn tăng giá do đâu?]

Công ty hiện đang đầu tư nhà máy giết mổ ở Phú Nghĩa, dự kiến cuối năm nay sẽ đi vào hoạt động. Khi đó, các sản phẩm thịt, đặc biệt là thịt lợn của công ty sẽ đến tay người tiêu dùng có giá cạnh tranh hơn.

Sau khi hàng loạt doanh nghiệp chăn nuôi lớn đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg tại cổng trại, giá lợn hơi hôm nay tại nhiều địa phương đã giảm nhẹ.

Tuy vậy, so với mức giá tại doanh nghiệp, giá trên thị trường vẫn cao hơn vài giá.

Cụ thể, giá lợn hơi tại Thái Bình hôm nay ghi nhận mức 76.000-78.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Hà Nội, Phú Thọ từ 77.000-78.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại Hưng Yên từ 79.000-80.000 đồng/kg (tùy loại).

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực hiện đúng chỉ đạo cũng như cam kết với Chính phủ, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ 1/4.

Tuy nhiên, hiện trên thị trường, giá thịt lợn vẫn ở mức cao, ông Trọng cho rằng, giá lợn hơi này vẫn chưa đến được tới đơn vị trực tiếp giết mổ. Đây là giá ở cửa chuồng, để đến được giết mổ phải qua một số khâu nữa.

Các cơ sở giết mổ, đặc biệt là người giết mổ nhỏ lẻ không phải ai cũng có thể tiếp cận được nguồn hàng trực tiếp từ doanh nghiệp xuất bán ra thị trường.

Bởi qua các cấp, giá đã bị tăng lên do vận chuyển, hao hụt, mỗi khâu đều tính lãi nên giá tăng lên từ 5.000-10.000 đồng/kg, tùy theo việc đơn vị giết mổ lấy được hàng qua một hay nhiều khâu trung gian.

Chính vì qua nhiều khâu nên sản phẩm thịt tới người tiêu dùng giá vẫn còn cao. Nếu ít khâu trung gian thì sẽ giúp làm giảm giá bán đến người tiêu dùng.

Về quản lý chuyên ngành, ông Trọng cho biết, ngành nông nghiệp quản lý đến khâu giết mổ về thú y, dịch bệnh, an toàn thực phẩm không phải là khâu thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng không quản lý lưu thông, giá cả, ngành chỉ quản lý về kiểm dịch trong vận chuyển sản phẩm.

Theo ông Trọng, các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp để giảm bớt khâu lưu thông, kiểm soát giá cả của các đơn vị.

Việc kiếm soát khâu trung gian hiện rất khó, phức tạp vì đến khâu giết mổ qua nhiều cầu. Bên cạnh đó, sản phẩm chưa xây dựng được chuỗi hoàn chỉnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khuyến cáo các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn xây dựng các chuỗi sản xuất, liên kết chặt chẽ, nhưng cũng cần có lộ trình, thời gian.

"Nếu 15 doanh nghiệp đều xây dựng được chuỗi khép kín, như Masan thì việc kiểm soát giá cũng rất dễ. Từ khâu chăn nuôi đến khi vào siêu thị, các ngành chức năng sẽ kiểm soát được giá và việc đóng thuế của doanh nghiệp đã đủ với giá doanh nghiệp bán sản phẩm như thế nào," ông Trọng cho hay.

Trên cơ sở kết luận số 132/TB-VPCP ngày 29/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh nguồn cung, khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững và kiểm soát tốt dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bộ cũng sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan kiểm tra, kiểm soát chợ đầu mối và khâu giết mổ, không để đầu cơ trục lợi đẩy giá ở 2 khâu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục