Giá thịt lợn và điện sinh hoạt là nguyên nhân chính đẩy CPI tăng 0,05%

Giá thịt lợn “đắt đỏ” do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023 và giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là nguyên nhân chính làm CPI trong tháng Năm tăng.

Chuẩn bị nguyên liệu thịt lợn để chế biến tại cơ sở sản xuất của Hợp tác xã Hoàng Long ở thôn Tri Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chuẩn bị nguyên liệu thịt lợn để chế biến tại cơ sở sản xuất của Hợp tác xã Hoàng Long ở thôn Tri Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 29/5, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Năm tăng 0,05% so với tháng Tư và tăng 1,24% so với tháng 12/2023.

Như vậy, CPI tháng này đã tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước và bình quân 5 tháng đầu năm CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ. Theo đó, lạm phát cơ bản đã tăng 2,78%.

7/11 nhóm tăng giá

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết giá thịt lợn “đắt đỏ” do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023. Thêm vào đó, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm CPI trong tháng cao lên.

Cụ thể, CPI tại khu vực thành thị tăng 0,04%, khu vực nông thôn tăng 0,05% so với tháng Tư. Trong rổ dịch vụ-hàng hóa chính tính CPI, có 7/11 nhóm tăng giá và 3 nhóm giảm, 1 nhóm ổn định giá.

Về diễn biến ngành hàng, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng Năm tăng 0,38% so với tháng Tư và tác động làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm.

Trong đó, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,59%, tác động tăng 0,13 điểm phần trăm, nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,14%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm và nhóm lương thực giảm 0,26%, góp phần giảm 0,01 điểm phần trăm.

Trong nhóm thực phẩm, bà Oanh cho biết giá nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 2,19% so với tháng trước (như giá cà chua tăng 14,2%; rau bắp cải tăng 6,73%; su hào tăng 4,17%…), do thời tiết nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến nguồn cung rau củ tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, thịt lợn lên giá 1,94% vì nguồn cung thiếu hụt. Trên thị trường (ngày 24/5), giá thịt lợn hơi dao động từ 64.000-68.000 đồng/kg, tăng 3.000-5.000 đồng/kg so với tháng Tư.

Về lương thực, bà Oanh chia sẻ chỉ số giá nhóm gạo giảm 0,32% điều chỉnh theo giá gạo xuất khẩu. Hơn nữa, các địa phương đang thu hoạch vụ đông xuân nên nguồn cung gạo trên thị trường khá dồi dào.

Ở một diễn biến khác, nhóm chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng nhích lên 0,38%. Theo bà Oanh, nguyên nhân chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 2,11% với diễn biến nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện của người dân đi lên. Cùng với đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,28% do giá cát, thép neo theo nhu cầu xây dựng tăng và giá thuê nhà tăng 0,23% do nhu cầu cao. Ngoài ra, một mặt hàng trong nhóm có sự giảm giá, như dầu hỏa giảm 5,23%, giá gas giảm 1,6%.

Chỉ số giá vàng tăng 3,81%

Đặc biệt trong tháng, giá vàng trong nước “nhảy múa” cùng chiều với giá vàng thế giới.

Bà Oanh chia sẻ đến ngày 24/5, bình quân giá vàng quốc tế ở mức 2.352 USD/ounce, tăng 1,3% so với tháng Tư. Lý do chính, giới đầu tư lo ngại những rủi ro địa chính trị khó lường ở khu vực Trung Đông, dẫn đến nhu cầu dự trữ của các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư. Tuy nhiên, chỉ số giá vàng trong nước leo cao hơn nhiều so với quốc tế với mức tăng 3,81% so với tháng Tư và tăng tới 21,47% so với tháng 12/2023 đồng thời tăng 32,18% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, bình quân 5 tháng giá vàng đã tăng 22,95%.

Bên cạnh đó, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đã đạt mức 105,06 điểm (tính đến ngày ngày 24/5) và tăng 0,1% so với tháng trước, trong bối cảnh hoạt động sản xuất-kinh doanh của Mỹ tăng tốc, ghi nhận chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp lên mức 54,4 và đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Trong nước, bà Oanh cho biết thêm nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp nhiều hơn cũng tác động một phần lên tỷ giá. Cụ thể, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.464 VND/USD. Cụ thể, chỉ số USD trong tháng Năm tăng 1,15% so với tháng Tư, tăng 4,21% so với tháng 12/2023, tăng 7,85% so với cùng kỳ năm trước và bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 5,24%.

Tổng quan 5 tháng, bà Oanh cho hay chủ yếu do chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,7% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,54 điểm phần trăm. Ngoài ra, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm, vì giá dịch vụ y tế được điều chỉnh lên theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023. Hơn nữa, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%, làm CPI chung tăng 1,03 điểm phần trăm, bởi giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.

“Trên nền tảng đó, lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,03%). Chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản,” bà Oanh chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục