Các nông hộ chăn nuôi lợn trên khắp cả nước đang điêu đứng trong cơn “bão kép” khi giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" và giá thịt lợn trên thị trường thấp kéo dài do sức tiêu thụ giảm. Trong cả ngắn hạn và dài hạn, các nông hộ sẽ phải tìm ra giải pháp giảm giá thành chăn nuôi lợn để vượt qua khó khăn trong thời gian này.
Nghịch lý sức mua giảm, sản lượng tăng
Trong vài tháng trở lại đây, giá lợn hơi không có nhiều biến động, thậm chí vào thời điểm vốn được kỳ vọng sẽ tăng mạnh nhất trong năm là giai đoạn cận Tết Nguyên đán, nhưng giá còn mạnh giảm.
Trong hai tháng đầu năm, giá lợn hơi bình quân cả nước chỉ biến động trong khoảng 50.000-53.000 đồng/kg. Mức giá này vẫn chưa thể "chạm" mức giá thành sản xuất trung bình là khoảng 55.000 đồng/kg. Điều này khiến cho các nông hộ “đứng ngồi không yên” trước áp lực lớn của giá bán thấp nhưng nếu không bán thì lại gặp phải trở ngại giá thức ăn chăn nuôi cao.
Theo tính toán từ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người chăn nuôi lợn đang bị lỗ khoảng 500.000-600.000 đồng/con 100 kg. Với mức giá thấp và rủi do về dịch bệnh, nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ tiếp tục bỏ chuồng nhưng nguồn cung vẫn không giảm do nhiều doanh nghiệp liên tục đầu tư vào chăn nuôi lợn với số lượng lớn.
Cụ thể, lượng lợn thịt mà C.P. Việt Nam mỗi ngày cung cấp ra thị trường tăng từ 16.000 con lên 20.000 con, CJ từ 5.500 con lên 7.000 con, Japfa từ 1.000 con lên 1.700-1.800 con, Emivest cũng tăng lên gần 1.500 con, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đã lên kế hoạch nuôi 1 triệu con “heo ăn chuối” trong năm nay...
[Mức tiêu thụ thấp, nguồn cung dồi dào, giá lợn hơi tiếp tục lao dốc]
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, ước tính tổng số lượng lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 2/2023 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong cả quý 1/2023, chăn nuôi lợn có mức tăng sản lượng cao nhưng lại gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Kể từ đợt “sốt giá” vào tháng 7/2002, giá thịt lợn hơi liên tục lao dốc, tiến sỹ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng việc nguồn cung tăng trong khi sức mua chưa cải thiện là nguyên nhân khiến giá lợn hơi thấp kéo dài. Nguồn cung ở đây không chỉ là hàng trong nước mà còn lợn nhập khẩu và các sản phẩm cùng cung cấp nguồn đạm như: Thịt bò, thủy sản, thịt gà, trứng… Thêm vào đó, sau giai đoạn giá thịt lợn quá cao, thịt lợn không còn chiếm trên 70% cơ cấu đạm trong bữa ăn như khảo sát trước đây mà đã giảm và trở thành thói quen.
Giảm chi phí chăn nuôi là "bài toán" sống còn
Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ lợn đến nay vẫn đang chưa có dấu hiệu khởi sắc, tự chủ nguyên liệu đầu vào vẫn là giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn mà các nông hộ và doanh nghiệp hướng tới. Những biện pháp ngắn hạn như tìm nguồn cung thay thế rẻ hơn hay thay đổi thành phần trong thức ăn để ứng phó với tình hình hiện tại đang là ưu tiên.
Nhấn mạnh giảm giá thành là “bài toán” sống còn với ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng điều cần nhất lúc này là giảm được giá thành thông qua việc giảm sự phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu và tăng cường tận dụng phụ phẩm nông nghiệp.
"Hiện nay, nhiều công ty, trang tại lớn đã đưa ra các giải pháp tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước, giảm giá thành bằng hình thức tự trộn thức ăn nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về dinh dưỡng," ông Nguyễn Trí Công cho hay.
Ông Đỗ Hữu Phương, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh các hộ chăn nuôi cần chủ động đa dạng hóa nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước từ các phụ phẩm, đặc biệt là trong điều kiện diện tích cây trồng thức ăn chăn nuôi hạn hẹp, việc phát triển ngành thuỷ sản đang mở ra cơ hội lớn cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay, có nhiều mô hình tận dụng các phụ phẩm từ quả điều hay cành thanh long, vỏ sầu riêng, vỏ chanh leo và sản xuất nguồn đạm từ côn trùng... không chỉ giảm giá thành mà còn giảm áp lực lên môi trường.
Theo ông Đỗ Hữu Phương, trong thời gian qua, các cơ sở chăn nuôi cũng đã làm hết sức mình để giảm giá thành, nhưng trong bối cảnh giá bán còn thấp thì sẽ phải tiếp tục nghiên cứu giảm chi phí đầu vào, chi phí sản xuất, chi phí quản lý... bằng việc tổ chức sản xuất liên kết.
Nếu có sự liên kết với nhau thì các nông hộ sẽ ký được hợp đồng thu mua nguyên liệu ngô, sắn với giá cả ổn định hơn, chủ động hơn trong con giống, thức ăn chăn nuôi... Tuy nhiên, ông Đỗ Hữu Phương đánh giá tổ chức sản xuất liên kết, xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh hiện nay chỉ dừng lại ở các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có tiềm năng, thuận lợi về tài chính, cơ sở vật chất, phát triển chăn nuôi theo chuỗi, còn ở các doanh nghiệp nhỏ hơn, bà con nông dân vẫn còn khó khăn vô cùng và cần phải tăng cường hơn nữa sự liên kết.
Ông Nguyễn Trí Công cũng khẳng định: “Bà con phải liên kết, tham gia vào các tổ hợp tác thì sẽ mua được nguồn nguyên liệu số lượng nhiều và giảm được giá thành, nếu làm ăn riêng lẻ, không có liên kết thì sẽ chăn nuôi theo kiểu hên xui. Sự liện kết là quan trong nhất, biết cùng nhau sản xuất thì giá thành giảm đi và nâng cao được năng suất, giảm công lao động...”
Bên cạnh các giải pháp về chủ động đa dạng nguồn thức ăn và tăng cường liên kết sản xuất, ông Đỗ Hữu Phương còn lưu ý các địa phương cần chủ động tăng cường đầu tư, ưu tiên chế biến giết mổ công nghệ cao để giá trị sản phẩm chăn nuôi tăng lên thì đầu ra cho bà con nông dân mới ổn định hơn./.