Du lịch đón đầu những cơ hội khi Việt Nam 'mở cửa lại bầu trời'

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt mức tiêm chủng COVID-19 gần đạt tới miễn dịch cộng đồng, người dân bắt đầu có xu hướng tìm kiếm điểm đến, chuẩn bị cho những chuyến du lịch trở lại.
Người dân thế giới bắt đầu có xu hướng tìm kiếm điểm đến, chuẩn bị cho những chuyến du lịch trở lại. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Người dân thế giới bắt đầu có xu hướng tìm kiếm điểm đến, chuẩn bị cho những chuyến du lịch trở lại. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Trong khi mọi hoạt động du lịch quý I còn “án binh bất động” ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, do sự bùng phát khó kiểm soát của virus Sars-Cov-2, thì bước sang quý II/2021 tình hình bắt đầu có những tín hiệu khả quan tại những nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cao và các điểm đến miễn cách ly cho du khách đã tiêm chủng đầy đủ.

Ở Việt Nam, Bộ Ngoại giao cũng bắt đầu phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng tiêu chí, cơ chế công nhận và cho phép sử dụng Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine của nước ngoài.

Như vậy, du lịch đang tiến gần hơn tới ngày có thể “mở cửa lại bầu trời.”

Tự tin xê dịch giữa “tâm bão”

Theo báo cáo điều tra độc lập về Xu hướng phục hồi du lịch quý II/2021 của các đơn vị mua sắm du lịch trực tuyến cũng như công ty dịch vụ lữ hành trực tuyến hàng đầu thế giới như Expedia của Mỹ, Skyscanner của Anh… hoạt động tìm kiếm thông tin và đặt chuyến du lịch toàn cầu trong quý II/2021 đang có xu hướng gia tăng.

[Du lịch Việt đặt mục tiêu lọt top 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh]

Xu hướng này “nóng” trở lại ở những nước đã được tiêm chủng diện rộng và các điểm du lịch miễn cách ly cho khách đã tiêm chủng đủ hai mũi. Như vậy có thể nói, vaccine đã trở thành chiếc khiên vừa bảo vệ sức khỏe vừa như một “chứng nhận xanh” đảm bảo mọi người có thể xê dịch giữa “tâm bão COVID.

Thông tin từ Expedia cho thấy nhu cầu tìm kiếm thông tin các chuyến du lịch nội địa và quốc tế trong quý II vừa qua tăng hơn 70% so với quý I. Có tới 72% trong số 8.000 công dân ở 8 quốc gia mà nền tảng này khảo sát cho biết có kế hoạch đi du lịch trong 12 tháng tới.

Du lịch đón đầu những cơ hội khi Việt Nam 'mở cửa lại bầu trời' ảnh 1Những điểm đến gần gũi thiên nhiên và vắng vẻ là xu hướng của du lịch hậu COVID. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đặc biệt, kết quả khảo sát này sẽ một lần nữa cho thấy sự thay đổi về hành vi và thái độ của du khách toàn cầu. Những biến chủng mới của virus SARS-COV-2 khiến khách du lịch khá bất an nên chủ yếu chọn đi gần nhà. Số người bắt đầu lập kế hoạch cho những chuyến đi xa, cho hành trình từ 22-90 ngày tăng nhẹ (chiếm 35% lượng tìm kiếm trong quý II so với gần 10% của quý I).

New York, Chicago, Paris, Copenhagen, Mexico, Dubai, Seoul, Jeju… là các điểm đến đô thị và bãi biển được lựa chọn nhiều nhất để nghỉ ngơi dưới ánh nắng Mặt Trời mà vẫn đảm bảo các quy tắc an toàn.

Thực tế cho thấy, khi vaccine COVID dần được phủ sóng trên diện rộng, Mỹ đã “mở toang bầu trời,” châu Âu đang mở từng phần, Singapore (dự kiến mở từ tháng Chín)… đều có những chiến lược cho hoạt động du lịch giai đoạn mới.

Có tới 71% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy dễ chịu, hài lòng với hộ chiếu vaccine (chứng nhận đã tiêm chủng COVID-19). Đặc biệt, sau tin tức về việc mở rộng tiêm chủng của hãng Pfizer, có sự gia tăng tìm kiếm về các chuyến đi.

Điều đáng nói, kết quả khảo sát trên cũng tương đồng với nhận định của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đưa ra hồi tháng Bảy rằng việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu và tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật số để du lịch an toàn sẽ tạo đà tăng trưởng cho du lịch quốc tế giai đoạn tới.

Du lịch đón đầu những cơ hội khi Việt Nam 'mở cửa lại bầu trời' ảnh 2Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, những nơi đạt mức độ tiêm chủng cao đã dần cho phép du lịch trở lại. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, những nơi đạt mức độ tiêm chủng cao đã dần cho phép du lịch trở lại. Tính đến ngày 1/6, chỉ có 13% điểm đến tại châu Âu đóng cửa với du khách quốc tế, 19% điểm đến tại châu Phi đóng cửa, Mỹ và Trung Đông lần lượt là 20% và 31% điểm đến đóng cửa với khách quốc tế.

“Tấm khiên vaccine” ở Việt Nam

Trước tình hình thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng theo tiến độ tiêm chủng vaccine ngày càng được phổ cập rộng rãi, tuần qua Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng tiêu chí, cơ chế công nhận và cho phép sử dụng Giấy chứng nhận tiêm chủng (hộ chiếu vaccine) của nước ngoài ở Việt Nam.

Đây là một trong những giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh cách ly phù hợp với thực tế trong nước, các quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Về quy định nhập cảnh đối với người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn về cách ly y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh. Trong đó, quy định thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày và theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo đối với người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, đã tiêm chủng đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 và có giấy xác nhận khỏi bệnh.

Để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện hướng dẫn này, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về việc kiểm tra và công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng và Giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 của nước ngoài.

Du lịch đón đầu những cơ hội khi Việt Nam 'mở cửa lại bầu trời' ảnh 3Vaccine COVID-19 được coi là giải pháp giúp sớm phục hồi lại các hoạt động du lịch. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Theo đó, Việt Nam công nhận mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng, Giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 đã được giới thiệu chính thức qua đường ngoại giao của 44 quốc gia và vùng lãnh thổ. Danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đã giới thiệu chính thức hai mẫu giấy này được cập nhật thường xuyên tại Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự của Bộ Ngoại giao (lanhsuvietnam.gov.vn).

Với người đến từ các nước và vùng lãnh thổ chưa giới thiệu chính thức hai mẫu giấy nêu trên cho Việt Nam có thể liên hệ với các Cơ quan Đại diện Việt Nam ở sở tại để hợp pháp hóa hoặc xác nhận nội dung các giấy tờ đó.

Có thể nói, việc cho phép sử dụng Giấy chứng nhận tiêm chủng (hộ chiếu vaccine) của nước ngoài khi đến Việt Nam sẽ tăng thêm cơ hội lựa chọn cho khách du lịch quốc tế khi tìm kiếm điểm đến.

Đây sẽ là bước đệm quan trọng và cần thiết để ngay khi dịch bệnh được kiểm soát trên quy mô toàn quốc, khi Chính phủ cho phép mở lại các chuyến bay thương mại với những điểm đến an toàn, ngành du lịch có thể nhanh chóng tái khởi động các hoạt động, phục hồi nền kinh tế xanh.

Giải pháp phục hồi sau đại dịch

Các chuyên gia cho rằng để hoạt động du lịch được phục hồi hiệu quả sau dịch COVID-19 và thích ứng với trạng thái bình thường mới, ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng một mô hình phát triển bền vững hơn, linh hoạt hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp du lịch cần chủ động sẵn sàng thích ứng, có cơ chế chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả, giữa các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế nhằm kiểm soát, hạn chế tác động ảnh hưởng và quản trị khủng hoảng hiệu quả hơn.

Đặc biệt, ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội du lịch cần chung sức đồng lòng phối hợp xây dựng các chiến dịch kích cầu ngay sau khi dịch kết thúc. Cần chủ động xây dựng kế hoạch và dự kiến thời điểm tổ chức các hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và nội địa, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy du lịch nội địa.

Ngoài ra, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành du lịch để có điều kiện hoạt động tốt nhất, sản phẩm du lịch được quảng bá rộng rãi đến người dân với giá thành phù hợp, thí dụ như giảm phí các điểm tham quan từ 30%-50%, trợ giá cho du khách để ngành du lịch sớm phục hồi sau đại dịch.

Có như vậy, ngành du lịch mới có thể sớm hồi phục và trở lại hoạt động hiệu quả ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục