Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam hàng ngày ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế càng trở nên khó khăn, cấp bách. Nhiều chuyên gia, công đồng doanh nghiệp đã đề xuất Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là cân nhắc xây dựng gói hỗ trợ lần 2.
Tuy nhiên, họ cũng cho rằng cần thận trọng tại thời điểm này và điều quan trọng là cần gia tăng tính hiệu quả của các gói hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp.
Về phía chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã có nhiều đợt hỗ trợ.
Chẳng hạn như Chính phủ Nhật Bản, cùng ngày 26/5 tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp sớm hơn một tuần, và tung ra gói hỗ trợ thứ 2, trị giá hơn 1.000 tỷ USD.
Tổng giá trị các gói hỗ trợ từ trước đến nay của Nhật Bản đã lên đến 40% của GDP Nhật. Chính phủ Singapore công bố gói hỗ trợ tài chính thứ 4 trị giá 33 tỷ SGD. Đến nay, tổng giá trị các gói hỗ trợ của Singapore là 99 tỷ SGD, bằng 20% GDP của nước này.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, đối với Việt Nam cũng nên có các gói hỗ trợ lần 2 hoặc 3 với mục tiêu đẩy mạnh nền kinh tế hơn so với bình thường và để nền kinh tế linh hoạt hơn trong thích ứng với thay đổi sau đại dịch, gói hỗ trợ lần thứ 2 cần tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế, từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hóa.
Theo đó, Chính phủ cần có chính sách vĩ mô dài hơi, các gói hỗ trợ cần được đưa ra thực hiện, điều chỉnh đúng lúc và kịp thời vì chính sách được thực hiện muộn vẫn là chính sách nhưng không còn tác dụng.
Hiện, Chính phủ đã ban hành các gói chính sách tiền tệ trị giá 250.000 tỷ đồng; gói bảo đảm an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng; gói chính sách tài khóa trị giá 180.000 tỷ đồng, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp và một bộ phận người lao động.
Vậy nhưng thực tế triển khai, thực hiện các gói hỗ trợ còn khiêm tốn. Nhiều người dân, doanh nghiệp tỏ ra không “mặn mà” với việc tiếp cận các gói hỗ trợ.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, việc chúng ta cần làm lúc này là rà soát lại các gói hỗ trợ, cần thiết phải mở rộng, căn chỉnh thời gian, đối tượng phù hợp, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh hiện nay hết sức khó lường.
Không nên đặt nặng vấn đề gói hỗ trợ thứ nhất hay gói hỗ trợ thứ hai, kể cả đối với gói chính sách tài khóa hay tiền tệ.
Đối với chính sách tài khóa, theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét gia hạn thời gian giãn, hoãn thuế phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Trong tình hình hiện nay, có thể kéo dài ít nhất là hết năm 2020, sau đó tiếp tục kéo dài nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, với gói chính sách tiền tệ trong giai đoạn này không nên chỉ tập trung vào các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ mà cần quan tâm, xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp lớn ở các lĩnh vực quan trọng, có ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực đưa ra ví dụ đối với ngành hàng không. Thời gian qua, hoạt động hàng không đã khôi phục khoảng 80% nhưng doanh thu chưa đến 50%.
Do hoạt động chủ yếu tập trung vào mảng nội địa, chưa khôi phục mảng quốc tế trong khi mảng này chiếm hơn 55% tổng doanh thu. Cùng với đó, chi phí cố định đối với ngành hàng không rất lớn. Doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh.
[Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Mở cho vay để 'giữ chân' người lao động]
Tuy nhiên, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng, mức đối với các doanh nghiệp lớn như hàng không, mức hỗ trợ như thế nào cần phải cân nhắc. Theo đó xem xét mức hỗ trợ theo mức độ đóng góp, thị phần trong nền kinh tế, và không chỉ hỗ trợ đối với Vietnam Airline mà còn các doanh nghiệp kinh doanh như Bamboo, Vietjet Air.
Các doanh nghiệp này đều có đóng góp lớn cho nền kinh tế, với những chính sách hưởng lợi cho khách hàng.
Đối với loại hình doanh nghiệp có tỷ trọng lớn trong nền kinh tế như doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đề xuất, cần tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện, cả nước có 28 Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trên cả nước, tuy nhiên chưa phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc “bơm” vốn vào các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhanh với các gói hỗ trợ; từ đó thúc đẩy tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ nói chung.
Về phía doanh nghiệp, ông Đoàn Ngọc Vui, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư DDIF trực thuộc Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố Đà Nẵng cho rằng, căn cứ theo nhu cầu thì nguồn vốn tín dụng luôn không bao giờ là đủ đối với mỗi doanh nghiệp.
Vì thế, việc tiếp tục có thêm gói tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19 là cần thiết.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận gói tín dụng 62.000 tỷ đồng theo chính sách hỗ trợ trước đó của Chính phủ cũng không dễ dàng.
Bằng chứng cho thấy, ngay gói tín dụng này tới nay vẫn còn chưa được giải ngân hết; đâu đó vẫn còn những khúc mắc chưa được tháo gỡ; nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vẫn đang tồn tại lay lắt, thậm chí là bế tắc, khủng hoảng do thiếu nguồn lực mà không thể "với" tới nguồn hỗ trợ.
Do đó, việc thiết kế gói hỗ trợ mới cần phải tính toán tới những điểm bất cập này. Nên xây dựng các quy chế, điều kiện thuận lợi hơn với số đông doanh nghiệp; chính sách ưu đãi hoặc hoãn, giảm thuế, phí cũng cần kéo dài thời gian áp dụng bởi cho tới thời điểm này vẫn chưa thể đong, đếm hay tính toán được chính xác thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực mà dịch bệnh gây ra.
Để gia tăng hiệu quả của các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, có lẽ không chỉ đơn thuần là hoãn, giảm hoặc miễn các nghĩa vụ thuế mà doanh nghiệp cần nộp.
Nếu cần thiết có thể "bơm" thêm tài chính hoặc cho vay ưu đãi lãi suất kịch sàn để doanh nghiệp thêm nguồn lực duy trì hoạt động.
Các dự án đầu tư công cũng cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bởi đó chính là thị trường, là đầu ra của các doanh nghiệp và cũng là nơi tạo thêm công ăn việc làm cho bao người lao động đang sống bằng đồng lương, bằng nguồn thu nhập từ đây.
Song song với việc tạo cơ chế để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn hỗ trợ, theo ông Đoàn Ngọc Vui cũng phải tích cực giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật. Bởi ở thời điểm khó khăn như thế này cũng chính lại là lúc thích hợp để kẻ xấu lợi dụng hoặc tiềm ẩn nhiều nguy cơ trục lợi chính sách./.