Gia tăng giá trị, hình thành nhiều vùng chuyên canh ở Tiền Giang

Tỉnh Tiền Giang tập trung xây dựng các vùng chuyên canh có quy mô sản xuất hàng hóa lớn và đồng nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật, gắn với xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu sản phẩm.
Trồng dưa lưới trong nhà màng ở huyện Gò Công Tây. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Tiền Giang là địa phương trọng điểm về sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tỉnh xác định thực hiện trên cơ sở quy hoạch, phát triển các ngành hàng có lợi thế, sản phẩm chủ lực, chú trọng xây dựng các vùng chuyên canh, phù hợp liên kết vùng và thích ứng biến đối khí hậu.

Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, kết nối nhiều kênh tiêu thụ, đảm bảo sản xuất nông nghiệp được hiệu quả, bền vững.

Trên cơ sở khai thác đúng các tiềm năng của mỗi vùng trong tỉnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Tiền Giang tập trung xây dựng các vùng chuyên canh có quy mô sản xuất hàng hóa lớn và đồng nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật, gắn với xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu sản phẩm.

Hình thành nhiều vùng chuyên canh

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, cho biết điểm nổi bật ở Tiền Giang là tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thực hiện theo vùng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững có tính đến yếu tố đặc thù và cơ hội trên cơ sở mục tiêu phát triển của vùng.

Với vùng kinh tế-đô thị trung tâm, gồm huyện Chợ Gạo, Châu Thành và thành phố Mỹ Tho ưu tiên phát triển cây thanh long, cây rau, chăn nuôi gà ri, nuôi tôm bè, hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.Vùng kinh tế- đô thị phía Đông gồm thị xã Gò Công, các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, đẩy mạnh phá triển cây lúa đặc sản, cây rau, mãng cầu xiêm...

Vùng kinh tế-đô thị phía Tây gồm thị xã và huyện Cai Lậy, các huyện Cái Bè, Tân Phước tập trung cho cây lúa chất lượng cao, các loại cây ăn trái như xoài, sầu riêng, dứa... và nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Mẫn, với địa thế dọc theo sông Tiền, được phù sa bồi đắp màu mỡ và thuận lợi về nguồn nước, Tiền Giang đã sớm xây dựng những vùng chuyên canh cùng với thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

[Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long]

Cụ thể, các huyện phía Tây của tỉnh đã hình thành vùng sản xuất lúa tập trung như vùng lúa chất lượng cao với diện tích hiện đạt gần 32.000 ha, sản lượng đạt 190.000 tấn/năm.

Toàn tỉnh cũng có hơn 80.100ha cây ăn trái; trong đó đã và đang hình thành các vùng chuyên canh tập trung với sản lượng lớn như vùng trồng sầu riêng ở huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước với tổng diện tích 13.500ha, đạt sản lượng gần 278.000 tấn mỗi năm.

Vùng trồng thanh long với tổng diện tích trên 9.140ha, tập trung ở các huyện Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Đông và Gò Công Tây.

Tại thời điểm năm 2019, mỗi ha thanh long cho người trồng lợi nhuận dao động từ gần 400 triệu đồng/ha đến trên 600 triệu đồng/ha tùy theo giống thanh long ruột trắng hoặc ruột đỏ. Nếu sản xuất nghịch vụ, lợi nhuận gấp tới 1,7 lần so với chính vụ.

Bên cạnh đó, Tiền Giang còn có vùng trồng dứa tại các xã thuộc huyện Tân Phước với tổng diện tích trên 14.500ha; trong đó có những xã như Hưng Thạnh, Tân lập II, Mỹ Phước, Thạnh Tân có diện tích trồng đạt từ 800ha trở lên.

Tổng diện tích gieo trồng rau màu của tỉnh hơn 57.000ha. Vùng trung tâm Tiền Giang gồm Chợ Gạo, Châu Thành và thành phố Mỹ Tho cũng chính là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất tỉnh với diện tích canh tác tập trung hơn 4.500ha, sản lượng hơn 550.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng rau toàn tỉnh.

Đề cập về việc hình thành, phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy cho biết nằm trong vùng ngập lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang, Cai Lậy có thế mạnh về phát triển tiềm năng kinh tế vườn, hình thành các vùng chuyên canh cho sản lượng lớn hướng đến xuất khẩu với những loại trái cây nổi tiếng, được thị trường ưa chuộng như sầu riêng, mít Thái siêu sớm,... Thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất phía Nam Quốc lộ 1 theo hướng "chung sống với lũ," huyện đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đê bao ngăn lũ bảo vệ sản xuất, tạo thuận lợi để các hộ nông dân chuyển đổi từ trồng lúa năng suất bấp bênh sang lập vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản.

Để hình thành vùng trồng sầu riêng chuyên canh, người trồng đã biết cách chọn giống, thực hiện các giải pháp kỹ thuật, biện pháp chăm sóc cây sầu riêng, chống hạn mặn, xử lý để cây cho trái rải vụ,... từ đó đạt lợi nhuận cao từ cây sầu riêng.

Hiện nay, Cai Lậy đã hình thành vùng trồng sầu riêng trên 9.000 ha, lớn nhất tỉnh, hàng năm cho sản lượng trên 200.000 tấn, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.

Nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Cai Lậy"của Hội Làm vườn huyện Cai Lậy đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đã góp phần khẳng định thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh của cây trồng đặc sản này tại địa phương.

Thực hiện chuỗi liên kết

Để phát triển bền vững các vùng chuyên canh, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, đẩy mạnh liên kết giữa các khâu từ cung ứng giống đến tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ là rất quan trọng.

Đây cũng là giải pháp quan trọng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từng bước hình thành tư duy sản xuất hiện đại cho người nông dân.

Chăm sóc thanh long tại xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Tại Tiền Giang đã có các mô hình liên kết sản xuất-tiêu thụ có hiệu quả cao trên lúa, cây ăn trái, gà ta Gò Công, rau an toàn, sản xuất lúa chất lượng cao.

Việc gắn kết hoạt động của các hợp tác xã, doanh nghiệp với thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ bước đầu đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, ở ngành hàng lúa gạo, đến thời điểm này, tỉnh đã có 23 đơn vị tham gia liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân.

Tính từ năm 2017 đến nay, tổng diện tích lúa được ký hợp đồng thu mua là trên 27.200ha và đã thu mua hơn 25.600ha, đạt 94% diện tích được ký hợp đồng.

Còn đối với ngành hàng trái cây, đến nay tại Tiền Giang có gần 80 hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động. Đây chính là đầu mối để tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Gap (thực hành nông nghiệp tốt) tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ trái cây các loại với các doanh nghiệp.

Theo ông Ngô Hữu Thệ, Bí thư Huyện ủy Chợ Gạo, huyện đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như thanh long, dừa, rau màu.

18/18 xã đều có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững, chủ yếu là thanh long, tập trung ở các xã Mỹ Tịnh An, Trung Hòa, Tân Bình Thạnh.

Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long phần lớn đã được thực hiện dựa trên hợp đồng liên kết giữa người sản xuất với các tổ chức tiêu thụ thanh long từ cung ứng vật tư đầu vào cho đến thu mua, sơ chế, tiêu thụ.

Hợp tác xã Thiên Phúc (xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo) hiện có khoảng 150 ha trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc hợp tác xã, cho biết việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thanh long được hợp tác xã thực hiện theo chuỗi từ việc cung ứng cây giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu mua trái, sơ chế, chế biến hoặc cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu chế biến.

Để đảm bảo lợi nhuận cho các thành viên hợp tác xã, Ban Giám đốc cam kết thu mua sản phẩm với giá ổn định, người trồng chắc chắn có lợi nhuận, cung ứng vật tư, cây giống thấp hơn giá thị trường khoảng 7-15%.

Với mong muốn thực hiện chuỗi liên kết ngày càng bền vững, hợp tác xã đang từng bước mở rộng quy mô sản xuất, trồng thanh long hữu cơ gắn với chế biến các sản phẩm: bột thanh long, si rô, mứt thanh long và coi đây là hướng phát triển phù hợp để đa dạng sản phẩm đồng thời đảm bảo thực hiện các khâu trong chuỗi được chủ động, hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục