Gia tăng các trường hợp mắc bệnh máu trắng tại Việt Nam

Mỗi năm tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương có khoảng gần 100 bệnh nhân mới tới điều trị bệnh này, với chi phí tốn kém, khoảng gần 500 triệu đồng/người/năm.
Bệnh nhân bị bệnh máu trắng đang điều trị tại Viện huyết học-Truyền máu Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, tại Việt Nam, số bệnh nhân được phát hiện bị bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt (bệnh bạch cầu mạn dòng tủy, bệnh máu trắng) có xu hướng tăng lên, mỗi năm tại Viện có khoảng gần 100 bệnh nhân mới tới điều trị bệnh này.

Thông tin trên được giáo sư Trí đưa ra trong buổi hội thảo hưởng ứng ngày Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt thế giới (22/9) tổ chức tại Hà Nội sáng 20/9.

Bệnh máu trắng là một bệnh ác tính hệ tạo máu và chiếm 5% tổng số các bệnh tạo máu, 20-25% các bệnh máu ác tính. Bệnh khiến cho cơ thể người bệnh sản xuất quá nhiều bạch cầu bất thường.

Theo giáo sư Trí, mặc dù số lượng bệnh nhân không lớn, song cũng là gánh nặng không hề nhỏ đối với gia đình, xã hội và nguy hiểm hơn đã ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bệnh máu trắng đang được áp dụng thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên hai phương pháp được lựa chọn hàng đầu là điều trị nhắm đích và ghép tế bào máu đồng loại.

Phân tích về hướng điều trị bệnh, giáo sư Trí cho hay, hiện nay phương pháp điều trị nhắm đích là phương pháp dùng thuốc sửa chữa đột biến di truyền trong bệnh máu trắng. Tuy nhiên, với những bệnh nhân điều trị bệnh này phải dùng thuốc suốt đời và chi phí rất tốn kém. Vì vậy, Viện rất mong Bộ Y tế tiếp tục có những chính sách hỗ trợ, để các bệnh nhân máu trắng được nhẹ bớt gánh nặng kinh tế khi điều trị.

Từ năm 2009, Bộ Y tế đã có quyết định triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc Glivec (Imatinib) điều trị bệnh nhân Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt tại một số cơ sở y tế với hình thức cung ứng thuốc cho bệnh nhân: Qũy Bảo hiểm Y tế thanh toán 40% chi phí và Công ty Novatis hỗ trợ 60% chi phí.

Tính đến tháng 6/2014 đã có 777 bệnh nhân được điều trị theo chương trình này, với tổng chi phí điều trị mỗi bệnh nhân khoảng 450 triệu đồng/người/năm, trong đó bảo hiểm chi trả 140 triệu đồng. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương thì có 95% bệnh nhân lui bệnh hoàn toàn về huyết học, có 64% bệnh nhân lui bệnh hoàn toàn về di truyền tế bào và 47% lui bệnh về phân tử.

Thạc sỹ Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho hay, những bệnh nhân bị bệnh máu trắng ban đầu sẽ có những biểu hiện như mệt mỏi, đầy bụng, đau vùng lách và có thể thấy một khối ở mạng sườn bên trái. Sau đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi, có những vết thâm tím trên người, kèm theo biểu hiện sốt, nhiễm khuẩn, đau xương và đau bụng.

Bệnh gặp ở cả nam và nữ, bệnh sinh ra do bất thường di truyền chuyển đoạn giữa nhiễm sắc thể số 9 và nhiễm sắc thể số 22.

Trên toàn thế giới mỗi năm có khoảng 300.000 bệnh nhân được chẩn đoán Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt (chiếm 3% tổng số các trường hợp ung thư mới). Tỷ lệ mắc bệnh này khoảng 1-2/100.000 dân/năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục