Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), sau 9 tháng năm 2022 toàn thị trường ôtô tiêu thụ 296.403 xe, tăng xấp xỉ 57% so với cùng kỳ năm 2021. Con số trên cho thấy thị trường đã phục hồi và khởi sắc hơn so thời điểm năm ngoái khi còn chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các hãng xe cũng liên tục đưa ra nhiều mẫu ôtô mới thu hút khách hàng.
Tuy vậy, vấn đề về chuỗi cung ứng, thiếu linh kiện cùng một số ảnh hưởng của nền kinh tế cùng giá cả, tỷ giá tiền tệ tăng cao… ít nhiều khiến thị trường ôtô sẽ biến động trong những tháng cuối năm.
Tăng giá hàng loạt
Tận dụng cơ hội hiếm hoi những tháng cuối năm và cũng để đáp ứng nhu cầu mua xe dùng Tết của người tiêu dùng, các hãng đã liên tục tung ra thị trường nhiều mẫu xe mới. Trong đó, Hyundai Elantra, Stargazer; thương hiệu xe Mỹ Ford ra mắt Ford Territory, Suzuki ra mắt Ertiga Hybrid... và cùng nhiều mẫu xe khác tại Triển lãm Ôtô Việt Nam 2022 cuối tháng Mười vừa qua.
Những tưởng có thêm sự cạnh tranh, người dùng có nhiều lựa chọn thì giá xe sẽ rẻ nhưng nhiều dòng xe đã tăng giá.
Đáng kể nhất là Toyota Việt Nam, thương hiệu tới từ Nhật Bản đã liên tục điều chỉnh tăng giá các dòng xe đang bán trong năm 2022. Theo đó, hàng loạt những cái tên như Toyota Vios, Veloz, Corolla Cross… đã đồng loạt tăng từ vài triệu đến trăm triệu đồng.
Đầu tháng 11, Toyota công bố tăng giá 11-42 triệu đồng cho mẫu SUV Fortuner cho các bản lắp ráp trong nước. Cụ thể, 2.4 MT, 2.4 AT, 2.8AT đã tăng giá 11 triệu đồng trong khi bản 2.7 nhập khẩu tăng giá 42 triệu đồng. Mẫu xe MPV 7 chỗ Veloz Cross ra mắt Việt Nam tháng 3/2022 cũng đã trải qua lần tăng giá đầu tiên 10 triệu đồng.
Đặc biệt, Toyota Land Cruiser là dòng xe tăng giá cao nhất gần 100 triệu đồng của thương hiệu Nhật Bản, giá xe hiện tại là 4,196 tỷ đồng. Đáng nói, Land Cruiser cũng đang giữ kỷ lục là mẫu xe có giá "lạc" – nghĩa là khách phải mua phụ kiện kèm theo nếu muốn nhận xe lên đến 1,5 tỷ đồng, cao nhất Việt Nam.
Hãng xe đồng hương là Mazda trong thời gian này cũng đang điều chỉnh giá bán với chiếc crossover CX-5 tăng thêm 10-30 triệu đồng, kéo giá niêm yết lên 879-919 triệu đồng; trong khi CX-8 tăng giá cao nhất 110 triệu đồng, kéo giá xe lên 1.079-1.269 tỷ đồng.
Bên cạnh Toyota, hai hãng xe đến n từ Hàn Quốc là KIA và Hyundai cũng được điều chỉnh tăng trong thời gian vừa rồi. Đối với KIA, Thaco cũng liên tục điều chỉnh giá xe KIA Seltos, Sonet, Seltos, K3, K5… từ 5-40 triệu đồng trong đó K3 tăng giá tới 2 lần. Trong khi đó, Hyundai với Creta, Tucson và Santa Fe được TC Motor điều chỉnh giá bán tăng cao nhất 35 triệu đồng so với trước.
Thậm chí, kể hãng xe khá non trẻ tại thị trường Việt như MG cũng đã tăng giá hai mẫu MG5 và MG ZS từ 9-14 triệu đồng. Trong đó, MG5 bản tiêu chuẩn tăng 14 triệu đồng, 2 bản còn lại đắt hơn 9 triệu đồng.
[Thị trường ôtô Việt Nam tiêu thụ hơn 350.000 xe trong 9 tháng năm 2022]
Với việc các dòng xe đã tăng giá trên, khách hàng sẽ phải bỏ thêm tiền để bổ sung chi phí lăn bánh. Theo quy định, giá xe tăng dưới 20% sẽ không làm ảnh hưởng đến lệ phí trước bạ mà khách hàng phải nộp khi đăng ký xe.
Khách khó mua xe giá rẻ
Nhìn vào tình hình kinh tế và diễn biến thị trường như hiện nay, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định rằng việc giá xe sẽ khó giảm và có thể tiếp tục tăng. Đây là một tin không vui đối với người tiêu dùng có ý định mua xe trong thời gian này.
Anh Duy, chuyên viên kinh doanh của Peogeot quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng có một số yếu tố khiến thị trường ôtô tăng trưởng trong thời gian qua: Đầu tiên là thị trường đã phải nén nhu cầu mua sắm trong suốt 2 năm dịch nên khi ổn định thì người dân đổ xô đi mua xe; tiếp đó là cuối năm nhu cầu mua sắm cao, cũng như nhiều mẫu ôtô hấp dẫn ra mắt…
“Với tình trạng khủng hoảng chất bán dẫn và thiếu chip vẫn chưa được khắc phục cùng với giá nguyên vật liệu và lạm phát tăng cao, chưa thể nói trước được diễn biến thị trường sắp tới,” anh Duy nói.
Theo thông báo của Hyundai Thành Công cũng như Toyota, lý do điều chỉnh giá bán lẻ khuyến nghị xuất phát từ chi phí đầu vào nguyên vật liệu tăng, nguồn cung chip điện tử thiếu hụt do cơn bão khủng hoảng bán dẫn từ năm 2021 dẫn đến chi phí vận tải logistic tiếp tục tăng cao.
Một điều đáng chú ý đó là các mẫu xe được tăng giá trong dịp này đều là những mẫu xe có doanh số khá tốt trên thị trường. Cá biệt, một vài mẫu như Toyota Veloz, Land Cruiser, Hyundai SantaFe… còn không có hàng để giao sớm cho khách.
Anh Trí Đức, chuyên gia ôtô từ TD Car Solution cho biết thời điểm cuối năm người dùng mua sắm nhiều phục vụ đi lại dịp Tết nên các đơn vị kinh doanh lợi dụng điều đó để cắt khuyến mại, buộc khách phải chịu các chi phí tăng thêm khi mua xe như mua bảo hiểm gói vay, bảo hiểm nhân thọ, "bán bia kèm lạc”…
“Một khi đã chi hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng cho một chiếc xe yêu thích thì có bị ép mua thêm vài chục triệu tiền phụ kiện họ cũng phải ‘tặc lưỡi’ chấp nhận. Bên cạnh đó, việc tăng giá xe thậm chí còn gây hiệu ứng kích thích tâm lý cho người mua xe,” anh Đức cho biết.
Bên cạnh việc tăng giá xe thì tình hình thị trường cuối năm đang có nhiều bất lợi do khách hàng: Lãi suất vay tiêu dùng hiện tại đã lên tới 17%, tăng gấp đôi so với thời điểm năm ngoái; cùng với việc “room” tín dụng từ các ngân hàng do đã hết đã cạn dẫn đến tình trạng có khách mua nhưng khó vay được tiền…
Dự đoán thị trường sắp tới, anh Đức cho rằng doanh số sẽ chững lại. “Nhiều yếu tố như tỷ giá biến động, bất động sản và ngân hàng khó đoán dẫn đến người dân sẽ hạn chế mua sắm cuối năm, nhất là khi giá xe ít ưu đãi,” anh Đức nhận định./.