Giá nông sản giảm thấp khi dầu thô tiếp tục tăng

Sắc đỏ bao phủ hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông sản trong phiên giao dịch ngày 26/3, trong khi đó, giá dầu thô thế giới kéo dài đà tăng sang phiên thứ 6 liên tiếp.

Nông dân thu hoạch đậu tương tại trang trại ở Scribber, bang Nebraska, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nông dân thu hoạch đậu tương tại trang trại ở Scribber, bang Nebraska, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến giằng co trong phiên giao dịch ngày hôm qua trước thềm Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng.

Lực bán chiếm ưu thế đã đẩy chỉ số MXV-Index giảm nhẹ gần 0,1% về mức 2.301 điểm. Trên thị trường nông sản, tâm lý thận trọng tiếp tục bao trùm lên thị trường đậu tương. Trong khi đó, giá dầu thô thế giới kéo dài đà tăng sang phiên thứ 6 liên tiếp.

Sắc đỏ bao phủ hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông sản trong phiên giao dịch ngày hôm qua (26/3). Giá đậu tương ghi nhận diễn biến trầm lắng với mức giảm nhẹ gần 0,1% về mức 367 USD/tấn, đánh dấu phiên giảm giảm thứ tư liên tiếp.

Mặc dù mức biến động không lớn, tuy nhiên tâm lý thị trường vẫn chịu áp lực từ nhiều yếu tố tiêu cực.

Sự tăng giá của đồng USD lên mức cao nhất trong nhiều tuần đã tạo thêm áp lực tiêu cực lên thị trường hàng hóa nói chung, bao gồm đậu tương.

Đồng USD mạnh hơn khiến hàng hóa Mỹ trở nên kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế, làm giảm nhu cầu xuất khẩu. Thêm vào đó, các thông tin về chính sách thương mại của Mỹ cũng tạo ra những lo ngại nhất định.

Tổng thống Trump dự kiến công bố thuế nhập khẩu ôtô, có khả năng dẫn đến các biện pháp thuế đối ứng từ các đối tác thương mại lớn. Ngoài ra, phiên điều trần về thuế vận tải biển liên quan đến Trung Quốc tiếp tục kéo dài, với phản hồi chủ yếu phản đối đề xuất này.

Ngoài ra, tình hình thu hoạch và xuất khẩu tại Brazil cũng góp phần gây sức ép diễn biến giá. Brazil đã thu hoạch 76% vụ đậu tương, vượt xa mức trung bình 66% cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (Anec) giữ nguyên dự báo xuất khẩu đậu tương tháng Ba của Brazil ở mức kỷ lục 15,56 triệu tấn, trong khi xuất khẩu khô đậu tương giảm nhẹ. Điều này cho thấy nguồn cung toàn cầu vẫn dồi dào, tiếp tục gây áp lực lên giá.

ttxvn-lua-my-1.jpg
Nông dân thu hoạch lúa mỳ tại Jammu (Ấn Độ). (Ảnh: ANI/TTXVN)

Giá ngô và lúa mỳ cũng suy yếu trước triển vọng nguồn cung mở rộng tại khu vực Biển Đen. Theo thông báo từ điện Kremlin, Nga và Ukraine đã đồng ý tạm ngừng tấn công cơ sở năng lượng bao gồm các nhà máy lọc dầu, đường ống dẫn dầu và khí đốt, cùng các nhà máy điện hạt nhân.

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, toàn bộ 5 mặt hàng trong nhóm năng lượng đồng loạt tăng giá; trong đó, giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm mạnh, vượt xa dự báo của thị trường.

Đóng cửa, giá dầu Brent có phiên tăng giá thứ 6 liên tiếp, ghi nhận mức tăng 1,05%, đạt 73,79 USD/thùng. Đồng thời, giá dầu WTI cũng tăng 0,94%, đạt mức 69,65 USD/thùng.

Theo đó, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 3,3 triệu thùng trong tuần làm việc kết thúc vào ngày 21/3, xuống còn 433,6 triệu thùng. Trước đó, Viện Dầu mỏ Mỹ cũng có báo cáo tương tự vào ngày 25/3 với mức giảm là 4,6 triệu thùng.

Mức giảm này lớn hơn nhiều so với các dự đoán trên thị trường. Nguyên nhân được phân tích là do các nhà máy lọc dầu đang đẩy nhanh công suất hoạt động nhằm chuẩn bị cho cao điểm mùa di chuyển tại Mỹ, diễn ra trong vòng hai tháng tới.

Điều này càng củng cố các dự đoán về nguồn cung trên thị trường bị bó hẹp lại trong ngắn hạn.

Sự gia tăng trong hoạt động lọc dầu đã góp phần củng cố nhận định về việc nguồn cung trên thị trường dầu mỏ thế giới có thể bị thắt chặt trong ngắn hạn, từ đó tạo áp lực đẩy giá lên cao.

ttxvn-gia-dau-resize.jpg
Giàn khoan dầu tại Texas, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Lo ngại về nguồn cung dầu thô trên thị trường quốc tế vốn đã được dấy lên từ những thông báo gần đây của Nhà Trắng về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nguồn dầu thô xuất khẩu từ Iran và Venezuela.

Đáng chú ý, các biện pháp này cũng có thể được áp dụng đối với Trung Quốc - quốc gia có nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Theo phân tích của ngân hàng đầu tư Barclays, "những khó khăn trong việc thương mại hóa dầu thô xuất khẩu từ Venezuela có thể tạo ra điểm nghẽn, dẫn đến việc buộc phải dừng sản xuất với mức giảm sản lượng lên tới 400.000 thùng mỗi ngày, chiếm hơn một nửa lượng dầu xuất khẩu từ quốc gia Nam Mỹ này."

Thông tin từ thị trường cũng cho biết Reliance Industries - tập đoàn vận hành khu phức hợp lọc dầu lớn nhất thế giới tại Ấn Độ - sẽ dừng nhập khẩu dầu từ Venezuela. Trước đó, tập đoàn này đã nhập khẩu trung bình 2 triệu thùng mỗi tháng từ quốc gia Nam Mỹ này.

Mặc dù giá dầu đang trong xu hướng tăng, triển vọng hòa bình giữa Nga và Ukraine vẫn đang là yếu tố chính kìm hãm đà tăng mạnh của mặt hàng này. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau và tiếp tục cáo buộc phía còn lại vi phạm lệnh ngừng bắn, nhắm vào các cơ sở vật chất của ngành năng lượng.

Thị trường dầu mỏ hiện cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào kế hoạch tăng sản lượng trong tháng Tư và tháng Năm của nhóm OPEC+, giúp cân bằng nguồn cung bị thiếu hụt do các biện pháp trừng phạt từ Washington gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Thu hoạch càphê. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Xuất khẩu càphê hướng tới kỷ lục 8 – 10 tỷ USD

Hiệp hội Càphê cacao Việt Nam ước tính trong quý đầu năm 2025, xuất khẩu càphê sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ USD; nếu mức giá này duy trì được trong 3 quý còn lại, cả năm có thể thiết lập mốc kỷ lục 8 tỷ USD.