Giá nhiều mặt hàng rục rịch tăng theo giá xăng và điện

Việc điều chỉnh hai mặt hàng thiết yếu là xăng dầu và điện trong khoảng thời gian ngắn vừa qua đã đẩy giá nhiều mặt hàng ở Hà Nội tăng theo.
Rau xanh tại chợ truyền thống. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, đã 3 lần giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng lên tổng cộng là 3.500 đồng/lít. Bên cạnh đó từ ngày 20/3 vừa qua, giá điện cũng được tính tăng lên 8,36%.

Việc điều chỉnh hai mặt hàng thiết yếu là xăng dầu và điện trong khoảng thời gian ngắn vừa qua đã đẩy giá nhiều mặt hàng ở Hà Nội tăng theo.

Qua khảo sát tại một số chợ truyền thống như chợ Hôm-Đức Viên, Hàng Bè, Nguyễn Cao, Phan Huy Chú, Mùng 8-3, Nguyễn Công Trứ… các mặt hàng thực phẩm từ rau xanh, thủy hải sản, đến các loại thịt gia súc gia cầm đều tăng giá. Đặc biệt, sau khi giá xăng được điều chỉnh lần thứ ba vào ngày 2/5 vừa qua và giá điện cũng được tính tăng lên các mặt hàng thực phẩm tăng lên rõ rệt.

Theo chị Phạm Thị Na, tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối Long Biên cho biết do giá xăng dầu lần trước và lần này tăng khá cao đẩy chi phí vận chuyển rau, quả từ các nơi về chợ đầu mối tăng lên, khiến giá cả các mặt hàng đều tăng, nên buộc các hộ kinh doanh phải tăng giá bán theo.

Tại chợ bán lẻ, chủ cửa hàng kinh doanh rau, củ tại chợ Nguyễn Công Trứ cho biết, tất cả các mặt hàng rau củ đều đã tăng giá so với cuối tháng Tư vừa qua, giá hành từ 16.000 đồng/kg đã tăng lên 25.000 đồng/kg, su hào 8.000 đồng/củ, củ cải trắng 18.000 đồng/kg, rau muống 17.000-18.000 đồng/mớ (tăng 3.000 đồng). Tương tự với mặt hàng rau, củ, giá thịt bò bán lẻ tăng 20.000 đồng/kg; thịt gà lông tăng 10.000 đồng/kg...

Ngoài ra, giá các loại thịt lợn cũng tăng mạnh như giá thịt lợn nạc vai, thăn, sườn tăng thêm 20.000 đồng/kg, lên 120.000 đồng/kg. Cá quả trước đây là 135.000 đồng/kg, nhưng nay tăng lên 140.000 đồng/kg; cá rôphi tăng 5.000 đồng/kg lên 45.000 đồng/kg...

Theo lý giải của các tiểu thương, việc tăng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm như hiện nay là do giá xăng, dầu tăng mạnh khiến nhiều chi phí đầu vào tăng đặc biết là phí vận chuyển.

Trong khi hàng hóa tại chợ truyền thống bắt đầu tăng giá thì tại các siêu thị chưa có biến động. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu, giá điện tăng cao như hiện nay rất có thể khiến giá bán nhiều mặt hàng trong siêu thị sẽ tăng trong thời gian tới

Hiện, siêu thị Co.opmart đã nhận được báo giá mới của nhà cung cấp hàng tiêu dùng và nguyên phụ liệu bao gói hàng hóa.

["Biểu giá điện bộc lộ nhiều khuyết điểm, gây bức xúc dư luận"]

Cùng với các mặt hàng thực phẩm tăng giá thì dịch vụ vận tải cũng đang rục rịch tăng giá từ 15-20%. Chị Thanh Hương, Giám đốc Công ty thương mại và du lịch quốc tế Hương Việt cho biết, giá xăng chiếm khoảng 35-40% trong cấu thành giá cước vận tải, nên việc giá xăng tăng 3.500 đồng/lít khiến doanh nghiệp chỉ có thể hòa vốn bởi trong 4 năm qua công ty chưa tăng giá lần nào. Trong kỳ điều hành giá sắp tới, nếu giá xăng không giảm mà tiếp tục tăng sẽ buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước khoảng 10%.

Anh Trần Mạnh Toàn, lái xe Grab than thở: "Hai đợt tăng giá xăng vừa qua làm tôi tốn thêm cả trăm nghìn đồng mỗi ngày, trong khi mức cước vẫn giữ nguyên khiến thu nhập bị hao hụt đáng kể. Tính ra mỗi tháng tôi bị giảm tới hơn 3 triệu đồng. Đúng ra hãng phải điều chỉnh cước, nhưng do cạnh tranh hiện nay quá khốc liệt, nên phải cố gắng chịu đựng."

Về phía doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cho rằng, việc tăng giá hai mặt hàng thiết yếu tạo ra sự bị động lớn cho nhiều doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp bị giảm bớt lợi nhuận bởi nhiều đơn hàng đã được ký kết từ trước, nay do chi phí tăng cao, muốn đàm phán lại hợp đồng rất khó khăn. Vì vậy, buộc các doanh nghiệp phải tiết giảm những chi phí không cần thiết, tập trung sản xuất các nguyên liệu có giá tốt hơn để bù đắp lại những khoản tăng của chi phí đầu vào về giá xăng và điện.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, để ổn định thị trường, bên cạnh chính sách điều tiết của các cấp, ngành, cần tổ chức lại hệ thống phân phối, giảm bớt khâu trung gian-vốn là nguyên nhân khiến chi phí bán lẻ tăng bất hợp lý. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi cung ứng, bảo đảm “đầu ra” cho sản xuất một cách hợp lý và “đầu vào” cho người tiêu dùng với giá chấp nhận được.

Về lâu dài, theo bà Phương Lan cần tổ chức các trung tâm giao dịch hàng hóa, nông sản thực phẩm, các chợ đầu mối để buôn bán công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, góp phần giảm bớt tốc độ tăng giá không cần thiết.

Về phía doanh nghiệp, cần quản trị tốt, đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại để giảm tiêu hao năng lượng; tính toán phương án vận tải tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo sát diễn biến giá cả thị trường để tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố có chính sách điều hành hợp lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục