Tuần qua (ngày 24/8 đến 29/8), giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có xu hướng tăng từ 100-200 đồng/kg.
Cùng với đó, giá càphê, tiêu cũng duy trì được xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt giá tiêu cao nhất chạm mốc 50.000 đồng/kg sau một thời gian dài đứng giá.
Thị trường nông sản trong nước
Từ những ngày trung tuần giữa tháng Tám đến nay, giá lúa thương phẩm tại Bạc Liêu tăng cao từng ngày, khiến nhà nông tỉnh này rất phấn khởi.
Giá lúa thương phẩm trên địa bàn liên tục tăng lên từng ngày, tính đến thời điểm này giá lúa tăng từ 800-1.000 đồng/kg so với đầu tháng trước.
Theo ngành công thương tỉnh Bạc Liêu, giá lúa thương phẩm tăng mạnh trong những ngày qua, nguyên nhân là do Việt Nam có nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo, thúc đẩy kích thích thị trường kinh doanh, mua bán lúa gạo trong nước sôi động trở lại.
[Infographics] Ngành nông nghiệp xuất siêu 6,2 tỷ USD trong 8 tháng
Cụ thể, lúa tươi giống Đài Thơm, Nàng Hoa có giá khoảng 6.000 đồng/kg; giống ST24, ST25 giá dao động từ 6.200 đồng/kg-6.300 đồng/kg; OM 5451, OM 18 giá 5.200 đồng/kg; lúa Tài nguyên (khô) từ 8.500-8.750 đồng/kg;...
Tại Trà Vinh, hơn một tháng nay, giá lúa tươi thương phẩm ở đây cũng liên tục tăng.
Cụ thể, giá lúa hầu hết các giống chất lượng cao như OM 5451, OM 4900, OM 18 đều tăng 700-1.000 đồng/kg; giống lúa thường IR 50404 tăng hơn 500 đồng/kg và Ma Lâm 202 tăng 1.000 đồng/kg.
Hiện, lúa tươi thương phẩm được thương lái mua tại ruộng, các giống OM 5451, OM 4900, OM 18 có giá dao động từ 5.800-6.200 đồng/kg; IR50404 giá 5.400-5.600 đồng/kg. Đặc biệt, lúa phẩm chất thấp Ma Lâm 202 đạt giá kỉ lục 5.900-6.000 đồng/kg.
Mặc dù vậy, với những giống lúa như IR50404, Siêu Hàm Trâu và Ma Lâm 202, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cũng thường xuyên khuyến cáo nông dân sản xuất không quá 20% diện tích để tránh tình trạng khó khăn trong quản lý dịch hại và thị trường tiêu thụ.
Tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá lúa tươi thường ở nơi đây dao động từ 5.850-6.100 đồng/kg, tăng khoảng 100-150 đồng/kg so với tuần trước; các loại lúa chất lượng cũng có giá tăng tương đương, cụ thể Jasmine từ 6.000-6.300 đồng/kg, lúa OM từ 5.9500-6.200 đồng/kg.
Theo Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại-Bộ Công Thương, giá gạo nguyên liệu IR 50404 ở mức 9.100-9.150 đồng/kg, tăng 50-100 đồng/kg, loại gạo thành phẩm 10.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; tấm loại 1 là 8.800-8.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu gạo 8 tháng ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4%, đây cũng là mặt hàng tuy có khối lượng xuất khẩu giảm 1,7% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng khá nhờ giá xuất khẩu tăng cao, bình quân đạt 488 USD/tấn.
Theo xu hướng càphê thế giới, giá càphê trong nước tuần qua cũng tăng khá.
Theo Diễn đàn của người làm càphê, giá càphê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên tăng 300-400 đồng, lên dao động trong khung 33.300-33.800 đồng/kg.
Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê robusta xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ, đứng ở 1.549 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 100-120 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.
Về tiêu, theo Tin Tây Nguyên, giá cao nhất ngày 29/8 chạm mốc 50.000 đồng/kg sau một thời gian dài đứng giá.
Giá tiêu tại khu vực trọng điểm Tây Nguyên hôm nay (25/8) giao dịch ở 47.500-50.000 đồng/kg. Ngưỡng cao nhất tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã chạm mức 50.000 đồng/kg.
Gia Lai và Đồng Nai chốt mức thấp nhất, các tỉnh còn lại ở mức 48.500 đồng/kg, theo bảng giá của nguồn Tin Tây Nguyên.
Thị trường nông sản thế giới
Về thị trường gạo châu Á: giá gạo Ấn Độ đã tăng trong tuần thứ ba liên tiếp khi các khách hàng chuyển sang loại ngũ cốc rẻ hơn trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với lũ lụt và tình hình dịch COVID-19 ngày càng tồi tệ hơn.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã tăng lên 384-390 USD/tấn so với mức 383-389 USD/tấn trong tuần trước đó giữa bối cảnh lũ lụt làm cản trở hoạt động xay xát, cùng với những trận gió mùa có khả năng sẽ vẫn diễn ra dữ dội trong những ngày còn lại của tháng.
Tính đến tuần trước, diện tích trồng lúa vụ Hè của Ấn Độ đã đạt 37,8 triệu ha, so với mức 33,9 triệu ha cùng thời điểm năm ngoái.
Tuy nhiên, một nhà xuất khẩu tại Kakinada, cảng bốc dỡ gạo lớn nhất Ấn Độ ở bang Andhra Pradesh, cho biết nhiều người mua từ châu Phi đang hỏi thông tin khi giá gạo tăng cao ở Thái Lan và Việt Nam.
Thực tế là một số tỉnh trồng lúa ở Thái Lan cũng đang trải qua tình trạng mưa gió thất thường, làm dấy lên những lo ngại về năng suất sẽ thấp hơn trong giai đoạn 2020-2021, và các thương nhân cũng lên tiếng cảnh báo về một vụ mùa thất bát.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 500-520 USD/tấn so với mức 480-500 USD/tấn tuần trước.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi trong tuần thứ hai liên tiếp, ở mức 480-490 USD/tấn, khi các nhà giao dịch dự kiến mức giá gạo sẽ vẫn cao trong vài tuần tới giữa bối cảnh nhu cầu từ Trung Quốc tăng lên do nước này đang chịu ảnh hưởng của lũ lụt.
Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay các nhà xuất khẩu không thể ký bất kỳ hợp đồng xuất khẩu mới nào do nguồn cung trong nước khan hiếm và thay vào đó họ đang tập trung hoàn thành các hợp đồng đã ký với Malaysia, Philippines và Cuba.
Lũ lụt cũng đã làm thiệt hại mùa màng ở Bangladesh, khiến diện tích 100.000 ha cây trồng trị giá 4,29 tỷ USD của nước này “chìm” trong biển nước, qua đó đẩy giá lương thực thiết yếu trong nước tăng cao.
Bangladesh, nước sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, thường phụ thuộc vào nhập khẩu để đối phó với sự thiếu hụt lương thực do lũ lụt và hạn hán gây ra.
Trên thị trường nông sản Mỹ, kết thúc phiên giao dịch 28/8, giá các loại nông sản giao kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ diễn biến trái chiều, với giá ngô và đậu tương đều tăng trong khi giá lúa mỳ giảm.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2020 tăng 0,75 xu Mỹ (0,21%) lên 3,5925 USD/bushel khi đóng cửa và giá đậu tương giao tháng 11/2020 tăng 8,5 xu Mỹ (0,9%) lên 9,505 USD/bushel khi kết thúc phiên giao dịch.
Ở chiều ngược lại, giá lúa mỳ giao tháng 12/2020 chốt phiên với mức giảm 2 xu Mỹ (0,36%) xuống 5,4875 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).
Tình hình hạn hán kéo dài ba tuần qua đã làm giảm triển vọng sản lượng ngô và đậu tương Mỹ.
Công ty tư vấn AgResource có trụ sở tại Chicago dự báo sản lượng ngô và đậu tương Mỹ có thể giảm mạnh trong vụ Thu này.
Mỹ đã bán 324.000 tấn ngô cho một khách hàng không rõ danh tính trong niên vụ 2020/2021. Trung Quốc vẫn duy trì cam kết mua đậu tương Mỹ với một đợt thu mua mới dự kiến sẽ được công bố vào đầu tuần tới.
Về càphê, giá càphê thế giới trong phiên 28/8 đồng loạt tăng; trong đó giá cà phê Robusta leo lên mức cao nhất của một năm rưỡi qua do triển vọng sản lượng càphê thấp tại Việt Nam, nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên này, giá càphê Robusta giao tháng 1/2021 trên sàn ICE Europe - London tăng 23 USD (1,63%) lên 1.436 USD/tấn.
Giám đốc điều hành của Simexo Dak Lak, nhà xuất khẩu càphê lớn thứ hai Việt Nam, dự báo sản lượng càphê niên vụ 2020/21 của Việt Nam sẽ giảm 4,8% xuống 1,72 triệu tấn, do thời tiết hạn hán diễn ra vào thời điểm cây càphê ở Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam, đang trổ bông.
Giá càphê Arabica tăng cũng giữa bối cảnh đồng real của Brazil tăng 2,7%, lên mức cao nhất của một tuần so với đồng USD.
Giá càphê Arabica giao tháng 3/2021 trên sàn ICE US – New York tăng 3,65 xu Mỹ, lên 127,35 xu/pound (0,4535kg).
Một yếu tố khác hỗ trợ giá càphê Arabica là lượng cà phê này tại kho dự trữ do ICE theo dõi đã giảm xuống mức thấp của ba năm rưỡi là 1,272 triệu bao (mỗi bao 60kg)./.