Báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 5/8 cho biết giá lương thực thế giới đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 7/2021, phản ánh sự sụt giảm của giá ngũ cốc, dầu thực vật và các sản phẩm từ sữa.
Theo đó, Chỉ số giá lương thực của FAO đạt trung bình 123,0 điểm vào tháng Bảy, thấp hơn so với 124,6 điểm trong tháng Sáu. Dù vậy, giá lương thực toàn cầu vẫn tăng 31,0% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO vào tháng Bảy đã giảm 3,0% so với tháng trước, chủ yếu do mức giảm 6% của giá ngô.
FAO cho biết giá ngô đang chịu áp lực đi xuống bởi triển vọng sản xuất cải thiện của Argentina và Mỹ. Ngoài ra, việc Trung Quốc hủy các đơn hàng nhập khẩu cho loại ngũ cốc này cũng lấn át những nỗi lo về vụ mùa tại Brazil.
[Giá gạo của các quốc gia xuất khẩu hàng đầu đều giảm]
Giá gạo quốc tế cũng giảm trong tháng Bảy xuống mức thấp của 2 năm, khi các nguồn cung mới cùng những biến động tiền tệ khiến tốc độ bán hàng chậm đi.
Tuy nhiên, giá lúa mỳ tăng 1,8% lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2014, được thúc đẩy bởi những lo lắng về tình trạng khô hạn ở Bắc Mỹ, mưa lớn ở châu Âu và năng suất ban đầu thấp hơn dự kiến ở Nga.
Giá dầu thực vật trong tháng Bảy giảm 1,4% so với tháng Sáu xuống mức thấp của 5 tháng. Điều này là do sự phục hồi của giá dầu cọ không thể bù đắp cho sự xuống giá của các loại dầu khác.
Chỉ số giá sữa của FAO cũng giảm 2,8% trong cùng giai đoạn. Ngược lại, Chỉ số giá đường của FAO tăng 1,7% và đánh dấu tháng tăng thứ 4 liên tiếp.
Chỉ số giá thịt nhìn chung cũng tăng nhẹ. Giá thịt gia cầm tăng mạnh nhất do hoạt động nhập khẩu ở Đông Á gia tăng, trong khi giá thịt lợn giảm khi thị trường Trung Quốc bớt nhập loại thịt này.
Trước đó, Chỉ số của FAO hồi tháng Sáu đã giảm lần đầu tiên trong vòng một năm, đánh dấu sự tạm dừng của đợt tăng giá cho các mặt hàng nông nghiệp vốn được thúc đẩy bởi những mùa thu hoạch không như kỳ vọng và nhu cầu lớn từ Trung Quốc./.