Giá lương thực tăng - "tia lửa" với "thùng thuốc nổ" bất ổn ở châu Phi

Giải quyết vấn đề lương thực tăng giá và tình trạng bất ổn là nhiệm vụ kinh tế, xã hội và chính trị đầy cấp bách với các chính phủ ở châu Phi.
Cha mẹ và các bệnh nhi xếp hàng nhận thức ăn tại bệnh viện Berberati, Cộng hòa Trung Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang Daily Maverick đăng bài viết của hai tác giả là Ronak Gopaldas (chuyên gia tư vấn, Giám đốc Chương trình Rủi ro tín hiệu, Viện Nghiên cứu An ninh-ISS) và Menzi Ndhlovu (nhà phân tích cao cấp về Rủi ro chính trị và rủi ro quốc gia thuộc ISS) phân tích về tình trạng giá lương thực tăng cao tại châu Phi có thể châm ngòi bạo động và bất ổn xã hội ở lục địa này.

Nguy cơ bùng phát bất ổn

Theo bài viết, kể từ khi COVID-19 bùng phát, giá lương thực toàn cầu đã tăng vọt, gây áp lực lên các quốc gia mong manh nhất trên thế giới.

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đánh giá "giá cả tăng vọt và tình trạng bất an ngày càng gia tăng có thể làm tăng thêm bất ổn xã hội ở các quốc gia đang đối mặt với bất ổn chính trị."

Tác động có thể đặc biệt nghiêm trọng ở châu Phi, nơi sức mua và mạng lưới an toàn xã hội còn hạn chế, trong khi sự bất bình với các chính phủ hoạt động kém hiệu quả đang âm ỉ. Các điều kiện hiện tại - sự gián đoạn chuỗi cung ứng, các cú sốc khí hậu, giá hàng hóa tăng vọt và việc thực hiện phong tỏa - đã tạo ra nguy cơ xảy ra bất ổn.

Khu vực kinh tế phi chính thức của châu Phi đã bị COVID-19 tàn phá, trong khi giá nhiên liệu tăng. Hơn nữa, các chính phủ thiếu không gian tài chính để giảm thiểu tác động. Khi người dân phải vật lộn với tình trạng đói nghèo và đại dịch, nguy cơ phản kháng bạo lực và bất ổn chính trị do giá lương thực tăng cao là rất lớn.

Nhà kinh tế Josef Schmidhuber của FAO cho rằng người dân ở các nước thu nhập thấp có thể phải chi hơn 60% thu nhập cho thực phẩm, khiến nhóm người này đặc biệt dễ gặp rủi ro. Khi nạn đói gia tăng, thì khả năng gây gián đoạn kinh tế-xã hội nhằm vào các chính phủ cũng sẽ tăng lên.

Đồng thuận với quan điểm trên, nhà kinh tế Abdolreza Abbassian (FAO) nhận xét rằng chỉ cần "một tia lửa nhỏ" là tình trạng bất ổn xã hội sẽ bùng phát - đó có thể là giá thực phẩm, giá năng lượng, hoặc đơn giản là đợt mưa không mong đợi.

[Hướng đi mới để châu Phi tự phục hồi kinh tế sau đại dịch]

Thực tế hiện nay liên tưởng đến giá lương thực toàn cầu tăng vọt trong năm 2007-2008 gây ra biến động ở hơn 30 quốc gia, trong đó có 14 quốc gia ở châu Phi. Lịch sử có cho thấy dấu hiệu nào đối với những điều sắp xảy ra?

Tình hình hiện nay giống một cách kỳ lạ so với những gì trước khi xảy ra tình trạng bất ổn toàn cầu 2007-2008. Trước tiên là quỹ đạo giá cả đi lên của các loại thực phẩm chủ yếu.

Chỉ số giá lương thực của FAO - tổng hợp sự thay đổi hàng tháng của giá quốc tế của một nhóm thực phẩm cơ bản bao gồm thịt, sữa, ngũ cốc, dầu thực vật và đường - tăng từ 94,2 điểm lên 117,5 điểm trong giai đoạn 2007-2008. Tuy nhiên, mức tăng trong khoảng thời gian từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021 thậm chí còn lớn hơn, từ 95,8 điểm lên 127,4 điểm.

Sau năm 2008, các lỗ hổng cơ cấu và chu kỳ chính chưa được giải quyết một cách đầy đủ, bởi việc cứu trợ được ưu tiên hơn so với cải cách. Những điểm yếu này càng trở nên trầm trọng hơn do tác động của COVID-19 và các yếu tố mới nổi khác trong nền kinh tế toàn cầu.

Tương tự trường hợp của giai đoạn 2007-2008, mối liên hệ giữa giá lương thực và hàng hóa vẫn còn rõ rệt, với những thay đổi do hàng hóa gây ra trong chi phí đầu vào khiến việc đưa thực phẩm từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng vẫn gánh chịu mức giá cao.

Biến đổi khí hậu và thiên tai là những yếu tố bổ sung khác. Hiện tượng thời tiết La Nina đã tác động tiêu cực đến các khu vực lớn về xuất khẩu lương thực, bao gồm cả các khu vực ở châu Phi.

Ngày 8/9 vừa qua, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã tuyên bố tình trạng thảm họa do hạn hán mà các nhà khoa học nhận định là do La Nina gây ra.

Việc chế biến thực phẩm thành nhiên liệu sinh học cũng làm căng thẳng nguồn cung chung, trong khi đầu cơ tài chính làm xáo trộn sản lượng lương thực và giá cả. Tuy nhiên, có lẽ quan trọng hơn, đầu tư vào nông nghiệp và công nghệ thực phẩm đã không bắt kịp với các mô hình cung và cầu đang phát triển.

Điều khiến tình hình hiện nay trở nên cấp bách hơn là tốc độ thay đổi giá lương thực. Các số liệu thống kê trên chỉ ra rằng giai đoạn 2007-2008, Chỉ số giá lương thực của FAO đã tăng 25%, nhưng con số này thấp hơn đáng kể so với mức tăng 33% từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021.

Sự kết hợp của hàng loạt các thách thức xã hội, môi trường, kinh tế và chính trị khắc nghiệt ở châu Phi khiến cho tình trạng bất ổn trên lục địa trở nên chín muồi.

Áp lực đối với hệ thống lương thực của châu Phi trở nên tồi tệ hơn do dịch châu chấu bùng phát khắp Đông Bắc, Đông và Trung Phi khi nhu cầu về lương thực đang tăng cao do dân số tăng nhanh. Nông dân cũng đã điều tiết mùa vụ trong điều kiện không chắc chắn do các quy định luôn thay đổi để đối phó với COVID-19.

Tỷ lệ thất nghiệp ở châu Phi đang có xu hướng tăng lên - đặc biệt là ở giới trẻ, những người vốn đã chịu gánh nặng của tình trạng thất nghiệp trước đó và bị gạt ra ngoài lề về mặt kinh tế. Những người trẻ tuổi trên khắp lục địa đã tham gia vào chính trị, thể hiện sự sẵn sàng trừng phạt những lãnh đạo đương nhiệm không giải quyết hiệu quả những khó khăn hiện hữu. Kết quả bầu cử gần đây tại Zambia là một trường hợp điển hình.

Các chính phủ châu Phi cũng đang ở trong tình trạng yếu hơn đáng kể về kinh tế so với các nước khác kể từ cuộc khủng hoảng 2007-2008. Bội chi và nợ tích tụ trong quá khứ đã làm xói mòn bảng cân đối công trong khi các vùng đệm tài khóa còn lại đã cạn kiệt theo các phản ứng COVID-19.

Điều này có nghĩa là các chính phủ không thể giúp người dân đối phó với giá lương thực tăng cao và tình trạng mất an ninh lương thực, đồng thời ngăn chặn các rủi ro chính trị liên quan.

Một số quốc gia dễ bị tổn thương hơn những quốc gia khác. Nam Phi - nền kinh tế phát triển nhất lục địa - đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn liên quan đến lương thực. Sự đan xen của nghèo đói, thất nghiệp, bất bình đẳng, chính trị tồi tệ và kinh tế không đạt mức tăng trưởng cần thiết khiến đất nước này luôn ở thế chênh vênh. Nigeria cũng có nguy cơ gặp phải những sóng gió tương tự.

Biểu tình bạo lực là một hình thức phản kháng dữ dội của xã hội đối với tình trạng mất an ninh lương thực. Ở những nơi như miền Bắc và miền Trung Kenya, mất an ninh lương thực có thể làm trầm trọng thêm nạn cướp. Trong khi tại Ethiopia, các nhóm vũ trang có thể nhắm vào các nguồn viện trợ nhân đạo, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Các biện pháp ứng phó

Liệu các nhà hoạch định chính sách châu Phi có thể giải quyết thách thức này? Có một số biện pháp khả thi nhất đối với các chính phủ để điều chỉnh giá lương thực và cải thiện an ninh lương thực.

Trước tiên là sự chắc chắn về chính sách và cách tiếp cận cẩn trọng đối với bất kỳ cuộc cải cách ruộng đất nào - điều mà một số chính quyền hiện đang theo đuổi. Bất kỳ biện pháp chính trị nào về cải cách ruộng đất đều phải đảm bảo cân bằng tối đa với các yêu cầu kinh tế nhằm hạn chế bất kỳ sự sụt giảm nào thêm về năng suất hoặc chuyên môn.

Thứ hai, các chính phủ cần kích thích năng suất và đầu tư vào chuỗi cung ứng thực phẩm diện rộng. Cần giảm bớt các rào cản hành chính, trong khi bất kỳ loại thuế hoặc trợ cấp nào đưa ra cũng phải hướng đến mục tiêu phù hợp để tối đa hóa lợi ích kinh tế mà không làm căng thẳng các bảng cân đối kế toán công.

Các nhà xây dựng luật pháp cũng nên xem xét điều chỉnh các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với thương mại nội khối châu Phi giữa các nhà xuất khẩu và nhập khẩu thực phẩm ròng.

Hiệp định Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) cung cấp cơ sở vững chắc cho sự can thiệp theo hướng như vậy. Việc thiết lập và củng cố các chương trình dự trữ lương thực cấp quốc gia và khu vực – liên kết với hệ thống tín dụng và bảo hiểm - là hướng đi tốt để giải quyết vấn đề tăng giá và nhu cầu một cách đột biến.

Cuối cùng, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sự đổi mới sáng tạo trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Châu Phi là lục địa có nhiều công ty khởi nghiệp đi đầu trong việc phát triển các loại cây trồng thích ứng với khí hậu, tạo ra sản phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản năng suất cao và bền vững, đồng thời tái định hình chuỗi cung ứng thực phẩm.

Cần khai thác tiềm năng chuyển đổi của các công ty khởi nghiệp và các thực thể khác có thể tạo ra đột phá tích cực, đồng thời có phương hướng mở ra kênh tài trợ và vốn cho các doanh nghiệp như vậy.

Giải quyết vấn đề lương thực tăng giá và tình trạng bất ổn là nhiệm vụ kinh tế, xã hội và chính trị đầy cấp bách. Do những khó khăn hiện nay, tình trạng mất an ninh lương thực có thể là "tia lửa dẫn đến thùng thuốc súng." Để ngăn chặn nguy cơ này, các chính phủ châu Phi cần khẩn trương hành động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục