Giá lúa trong nước nhích lên, giá gạo xuất khẩu giữ nguyên không đổi

Giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự tăng giá, trong khi giá gạo 5% tấm của Việt Nam từ 650-655 USD/tấn không thay đổi so với tuần trước.
Thương lái thu mua lúa ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

Giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự nhích lên, trong khi giá gạo 5% tấm xuất khẩu không thay đổi so với tuần trước, từ 650-655 USD/tấn.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá nhiều loại lúa có sự tăng giá từ 200-300 đồng/kg như Đài thơm 8 từ 9.000-9.200 đồng/kg, IR 50404 từ 8.800-9.000 đồng/kg đều tăng 200 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá từ 9.100-9.300 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; OM 5451 từ 8.900-9.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 ở mức từ 8.900-9.200 đồng/kg cũng tăng 200 đồng/kg; lúa Nhật vẫn ổn định từ 7.800-8.000 đồng/kg.

Với lúa nếp, nếp An Giang khô và nếp Long An khô đều dao động ở mức từ 9.400-9.800 đồng/kg.

[Nông sản tại Mỹ có biến động, giá gạo Việt Nam xuất khẩu ổn định]

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000-16.500 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000-20.00 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg...

Hiện Tiền Giang đã thu hoạch dứt điểm 100% diện tích lúa Hè Thu. Vụ này, nông dân trúng mùa, trúng giá, bội thu. Bình quân năng suất đạt 56,1 tạ/ha và sản lượng trên 383.000 tấn lúa hàng hóa.

Vụ Hè Thu 2023, thương lái thu mua lúa tươi của nông dân với giá từ 7.500-8.000 đồng/kg, cao hơn từ 900-2.400 đồng/kg so với vụ Hè Thu năm trước.

Sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi từ 25-30 triệu đồng/ha/vụ, cao nhất từ trước đến nay.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu tháng 11, các tỉnh Nam Bộ đã thu hoạch 347.668ha lúa Thu Đông-Mùa 2023, chiếm 38,9% diện tích gieo trồng.

Lúa Đông Xuân 2023-2024 đã xuống giống 203.000ha, đạt 19% so với kế hoạch, chủ yếu tại các tỉnh thành: Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau...

Trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh-đòng trỗ, bệnh đạo ôn lá, bạc lá vi khuẩn gây hại, bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt gây hại phổ biến ở mức nhẹ-trung bình, hại nặng cục bộ trên các ruộng trồng giống nhiễm, gieo sạ dày, bón thừa phân đạm. Ngoài ra còn có ốc bươu vàng, rầy nâu, chuột... gây hại.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương theo dõi sát các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh ảnh hưởng đến năng suất.

Kho gạo của Công ty TNHH Dương Vũ tại ấp Bình Cang, xã Bình Thành, huyện Thủ Thừa (Long An). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam từ 650-655 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước.

Theo các thương nhân, tại Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nông dân đã bắt đầu canh tác vụ Đông Xuân và hoạt động thu hoạch sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 2/2024.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên đạt từ 562-570 USD/tấn từ mức tương ứng 562 USD/tấn của tuần trước.

Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho rằng sự tăng giá này là do nhu cầu mạnh mẽ khi thời điểm cuối năm đang đến gần, với nhiều đơn đặt hàng hơn đến từ các nước châu Á.

Một thương nhân từ Bangkok cho hay: “Nhu cầu đến từ Indonesia và Philippines khá mạnh, trong khi lượng đơn đặt hàng từ châu Phi vẫn thấp do giá cao. Một nguồn cung mới khá lớn sẽ xuất hiện vào giữa tháng 11 vì thời tiết thuận lợi.”

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - được báo ở mức từ 490-500 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước.

Nhu cầu yếu trong bối cảnh nguồn cung từ vụ mùa mới tăng gây áp lực lên giá mặt hàng này.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh (miền Nam Ấn Độ), cho biết nhu cầu vẫn chậm do những đợt điều chỉnh giá gần đây và người mua đang thận trọng đánh giá xu hướng giá cả trong tương lai.

Tháng trước, Ấn Độ đã gia hạn việc áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ cho đến tháng 3/2024.

Đóng bao gạo tại một nhà máy xay xát của Ấn Độ ở Miryalaguda Mandal, quận Nalgonda, cách thành phố Hyderabad 150km. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sản lượng gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm trong năm nay, lần đầu tiên sau 8 năm, làm tăng triển vọng chính phủ nước này sẽ gia hạn chính sách hạn chế xuất khẩu để kiểm soát giá lương thực trước bầu cử.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản tại thị trường Mỹ biến động trái chiều trong tuần qua, với giá ngô và lúa mỳ đồng loạt giảm, còn giá đậu tương tăng nhẹ.

Chốt phiên này, tại sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ), giá ngô giao tháng 12/2023 giảm 4 xu, tương đương 0,85%, xuống 4,64 USD/bushel.

Giá lúa mỳ giao tháng 12/2023 cũng giảm 5,5 xu, tương đương 0,95%, xuống 5,7525 USD/bushel.

Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 1/2024 tăng 4 xu, tương đương 0,3%, lên 13,475 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá ngô và lúa mỳ giao kỳ hạn giảm do lượng tồn kho của Mỹ tăng nhẹ theo báo cáo vụ mùa tháng 11 của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Nông dân Mỹ sẽ không bán tháo khi thị trường đi xuống, trong bối cảnh diễn biến thời tiết không thuận lợi ở Brazil đang có thể dẫn tới một mùa vụ thất thu.

Mỹ đạt doanh số bán đậu tương 3,0-3,5 triệu tấn trong tuần này và Trung Quốc là người mua chính.

Thời tiết khô hạn với nhiệt độ cao kỷ lục sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động trồng đậu tương ở 2/3 khu vực phía Bắc Brazil cho đến ngày 21/11.

Dự kiến, một số trận mưa lớn sẽ tạo ra đợt lũ lụt mới trên khắp miền Nam Brazil, khiến nỗi lo về thời tiết ở Brazil vẫn dai dẳng.

Thị trường càphê thế giới cho thấy kết thúc phiên giao dịch 10/11, giá càphê Robusta tại thị trường London (Anh) giao tháng 1/2024 giảm 9 USD xuống mức 2.421 USD/tấn, loại giao tháng 3/2024 giảm 11 USD xuống 2.375 USD/tấn.

Tại thị trường New York, giá càphê Arabica giao tháng 12/2023 giảm 4,3 xu, xuống 174,5 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg).

Liên đoàn những người trồng càphê quốc gia (FNC) ở Colombia đã báo cáo sản lượng càphê trong tháng 10/2023 đạt 1,2 triệu bao, tăng 30,29% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Brazil, thời tiết đang thuận lợi báo hiệu vụ mùa bội thu, khiến giá càphê Arabica giảm mạnh hơn càphê Robusta trong phiên cuối tuần này.

FNC đặt mục tiêu xuất khẩu trong niên vụ càphê 2023/2024 sẽ đạt 12 triệu bao. Đây là mục tiêu khả quan hơn so với kế hoạch mà Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo trước đó là 116 triệu bao.

Mặc dù Kenya đóng góp chưa đến 1% vào sản lượng càphê toàn cầu nhưng hạt càphê Arabica chất lượng của nước này rất được người mua ưa chuộng và là một trong những nguồn thu ngoại tệ hàng đầu của Kenya.

Sản lượng càphê của Kenya đạt đỉnh 129.000 tấn vào năm 1989 nhưng hiện đã giảm xuống còn khoảng 40.000 tấn do quản lý kém, biến động giá toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Nhiều nông dân trồng càphê cho biết chi phí sản xuất càphê vượt xa thu nhập của họ. Chính phủ nước này cho biết những cải cách này sẽ tăng thu nhập bằng cách buộc người mua phải trả nhiều tiền hơn cho càphê./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục