Giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục có sự biến động tăng ở nhiều địa phương.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, lệnh cấm xuất khẩu gạo ngày 20/7/2023 của Ấn Độ, tiếp theo là lệnh dừng xuất khẩu gạo của một số nước khiến nhu cầu cho mặt hàng lương thực thiết yếu này khan hiếm, đẩy giá gạo tăng mạnh so với thời điểm trước.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho thấy tại Cần Thơ, giá lúa tiếp tục duy trì ổn định ở một số giống như: IR 50404 là 8.200 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg; OM 4218 là 9.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, tại Sóc Trăng, giá lúa có sự tăng giá khá, như lúa Đài thơm 8 ở mức 9.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; các loại khác như RVT và OM 5451 cũng đều tăng 400 đồng/kg, lên mức 8.800 đồng/kg.
Giá lúa ở Hậu Giang cũng tăng trên nhiều loại như: IR 50404 lên 8.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 lên 9.100 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; RVT là 9.200 đồng/kg, cũng tăng 200 đồng/kg.
[Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm 2023 giảm 9,5%]
Cùng chung xu hướng, nhiều loại lúa tại Tiền Giang cũng có sự tăng giá như: IR 50404 ở mức 7.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OC10 tăng 200 đồng/kg lên mức 7.700 đồng/kg. Lúa Jasmine ở mức 7.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, giá lúa Đài thơm 8 từ 8.000-8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 5451 từ 7.800-8.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 8.200-8.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; lúa OM 18 cũng tăng 200 đồng/kg lên mức từ 8.000-8.200 đồng/kg. Giá lúa IR 50404 từ 7.800-8.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho biết tỉnh đã xuống giống lúa vụ Thu Đông 2023 đạt 41,02% kế hoạch, ước sản lượng xuống giống bình quân đạt 6,23 tấn/ha, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 923.000 tấn.
Vụ này, các doanh nghiệp đã triển khai ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân trong tỉnh thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ nông dân với diện tích trên 13.000ha đạt 9,35% so với kế hoạch.
An Giang cũng đã khuyến cáo các địa phương và nông dân trong tỉnh trồng các giống lúa cho vụ Thu Đông như: OM 9582, Đài thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM 9577, OM4900… Đây là các giống lúa thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng.
Tính đến ngày 18/8, tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, vụ Hè Thu 2023 đã thu hoạch được 926.000ha/1,482 triệu ha diện tích gieo sạ với năng suất bình quân 59,33 tạ/ha, ước sản lượng đạt 5,495 triệu tấn lúa; vụ Thu Đông 2023 đã gieo sạ 420.000ha/700.000ha diện tích kế hoạch, đã thu hoạch được 11.000ha.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, lũy kế xuất khẩu gạo từ đầu năm đến ngày 15/8/2023 đạt 5,351 triệu tấn, trị giá 2,883 tỷ USD, so với cùng kỳ 2022 tăng 22,12% về số lượng và tăng 34,84% về giá trị.
Trong tuần này, gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ổn định quanh mức 643 USD/tấn và gạo 5% tấm của Thái Lan neo gần mức 646 USD/tấn.
Giá gạo tại các nước xuất khẩu chính, bao gồm Thái Lan và Việt Nam, đã tăng khoảng 20% kể từ khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu một số loại gạo, khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.
Giá gạo tăng cao đã thúc đẩy nông dân Ấn Độ mở rộng diện tích canh tác. Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Ấn Độ ngày 1/9 cho thấy diện tích trồng lúa tại Ấn Độ đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 39,8 triệu ha.
Việc quốc gia sản xuất và tiêu thụ gạo lớn thứ hai thế giới trồng lúa nhiều hơn có thể làm giảm bớt mối lo ngại về nguồn cung gạo ở nước này.
Vào tháng Bảy, Ấn Độ đã bất ngờ áp đặt lênh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải giống basmati, đe dọa sẽ làm giảm gần một nửa lượng gạo xuất khẩu của nước này.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết lượng gạo xuất khẩu của nước này tính đến ngày 29/8 đã tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, lên 5,29 triệu tấn.
Một quan chức của Bộ Thương mại Thái Lan Ronarong Poolphiphat cho biết sự gia tăng xuất khẩu gạo của nước này xuất phát từ tâm lý lo ngại khi hiện tượng thời tiết El Nino gây hạn hán tại nhiều quốc gia và lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ khiến các nước nhập khẩu gạo đẩy mạnh mua vào để duy trì an ninh lương thực.
Về thị trường nông sản Mỹ, ngày 1/9, giá đậu tương và ngô trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) đi lên. Nhưng giá hai mặt hàng này đang hướng tới mức giảm theo tuần, sau khi thông tin do chính phủ Mỹ công bố cho thấy thời tiết khô nóng đã gây thiệt hại cho cây trồng của Mỹ ít hơn dự kiến.
Khép lại phiên cuối tuần này, giá ngô tăng 0,4% lên 4,8 USD/bushel. Giá lúa mỳ tăng 0,3%, đạt 6,04 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương tăng 0,7%, đứng ở mức 13,7775 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Trong tuần này, công ty tư vấn nông nghiệp IKAR của Nga đã điều chỉnh ước tính sản lượng lúa mỳ của nước này trong năm nay lên 91 triệu tấn, cao hơn so với dự báo 89,5 triệu tấn đưa ra trước đó. IKAR cho biết Nga có thể xuất khẩu 49,5 triệu tấn lúa mỳ trong niên vụ 2023-2024, nhiều hơn 2 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Lúa mỳ giá rẻ từ Nga đã đẩy giá lúa mỳ hợp đồng tương lai trên sàn Chicago giảm 9,6% trong tháng Tám, ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 11/2022.
Ukraine cũng đang xuất khẩu nhiều lúa mỳ hơn năm ngoái, mặc dù Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đổ vỡ.
Thị trường càphê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/9, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London tiếp tục điều chỉnh giảm. Càphê Robusta giao tháng 11/2023 giảm 7 USD, xuống còn 2.482 USD/tấn và càphê Robusta giao tháng 1/2024 giảm 3 USD, xuống 2.383 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, trên sàn ICE US-New York, giá càphê Arabica giao tháng 12/2023 giảm 2,60 xu Mỹ, xuống 151,90 xu Mỹ/lb và càphê Arabica giao tháng 3/2024 giảm 2,40 xu Mỹ, còn 153,25 xu Mỹ/lb (1 lb=0,4535kg). Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Theo các nhà quan sát, giá càphê tiếp tục sụt giảm do lực bán khá mạnh từ Brazil, trong bối cảnh vụ thu hoạch cũng sắp hoàn tất, lượng hàng mới ngày càng dồi dào./.