Giá của các loại thực phẩm chính, đặc biệt là gạo và lúa mỳ, đang tăng cao trên thị trường thế giới do tác động của đại dịch COVID-19.
Báo cáo mới nhất của trang mạng Bloomberg Tax cho biết giá gạo của Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đã đạt đỉnh trong sáu năm qua.
Hợp đồng lúa mỳ theo kỳ hạn tại Chicago - là cơ sở tham chiếu cho toàn thế giới, đã tăng hơn 8% trong tháng 3/2020, trong khi lúa mỳ cứng Canada, loại ngũ cốc được sử dụng để chế biến mỳ ống và món cous-cous, đã tăng cao nhất kể từ tháng 8/2017.
Đối với các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu, giá lúa mỳ và gạo tăng cao đã gây thêm gánh nặng tài chính, đúng vào thời điểm đại dịch đang đe doạ phá vỡ nền kinh tế. Ở Nigeria, giá gạo bán lẻ đã tăng hơn 30% chỉ trong bốn ngày cuối tháng 3/2020.
Sự gia tăng đột biến của giá loại lương thực cơ bản này chắc chắn là do tác động của dịch COVID-19.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, các nước sản xuất lương thực chính trên thế giới không mất mùa trong năm qua. Do đó, sự gia tăng giá lương thực có thể được giải thích là do sự lo ngại của các nhà hoạch định chính sách tại các nước xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch. Nói cách khác, các nhà sản xuất lương thực cũng phải tính đến việc đảm bảo an ninh lương thực của chính đất nước họ khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và chưa thể xác định rõ thời điểm dịch kết thúc.
[Dịch COVID-19: Các nước tăng dự trữ lương thực, gạo Thái Lan đắt hàng]
Mức giá lương thực đang chịu tác động rất lớn của sự thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu tăng cao. Các nước sản xuất hàng đầu như Nga và Kazakhstan đang cố gắng đảm bảo nguồn cung trong nước bằng cách hạn chế xuất khẩu. Trong khi đó, các nước nhập khẩu, như trường hợp của Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia… lại tăng cường các hợp đồng mua lương thực để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Các nhà phân tích của Bloomberg Tax cũng đưa ra cảnh báo về hậu quả của giá lương thực tăng cao. Lúa mỳ và gạo là những loại lương thực được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Sự thiếu hụt lương thực và giá tăng cao đã từng là nguyên nhân gây ra bất ổn chính trị tại nhiều quốc gia trong lịch sử.
Trong giai đoạn từ 2008-2011, nhiều cuộc bạo loạn có liên quan đến sự thiếu hụt lương thực đã xảy ra tại hơn 30 quốc gia Trung Đông, châu Phi và châu Á. Do đó, Bloomberg Tax khuyến cáo các nước cần có chiến lược và kế hoạch phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực, tránh để vấn đề này gây áp lực thêm cho công cuộc đối phó với dịch COVID-19./.