Giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục tăng nhẹ. Trong khi giá xuất khẩu vẫn giậm chân tại chỗ trong 3 tuần qua; còn nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng qua.
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, giá các loại lúa hầu hết tăng, điển hình như Đài thơm 8 từ 9.800-10.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 18 cũng tăng 200 đồng/kg lên mức từ 9.800-10.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá từ 10.000-10.200 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; OM 5451 từ 9.500- 9.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; IR 50404 từ 9.200- 9.400 đồng/kg, cũng tăng 100 đồng/kg; riêng lúa Nhật ổn định từ 7.800-8.000 đồng/kg;
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000- 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.500-19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh, đến nay nông dân trong tỉnh đã thu hoạch vụ Thu Đông 2023, được hơn 66.500ha, đạt hơn 93% diện tích xuống giống, năng suất bình quân ước đạt gần 5,5 tấn/ha, tăng hơn 0,39 tấn/ ha so cùng kỳ năm 2022.
Điều nông dân Trà Vinh rất phấn khởi là ở vụ lúa này năng suất tăng cao và lúa tươi đạt chuẩn xuất khẩu đang được thương lái thu mua tại ruộng vào ngày 17/1 ở mức 9.800 đồng/kg, tăng bình quân 500 đồng/kg so với tuần trước.
Hầu hết nông dân tại huyện Cầu Kè năm nay đều sử dụng các giống lúa chất lượng cao lúa thơm như: OM 18, Ðài thơm 8... Nhờ giống lúa chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu, thời tiết thuận lợi cây lúa năng suất cao, hạt lúa sáng đẹp nên được thương lái tranh mua.
Nông dân vùng lúa-tôm của tỉnh Kiên Giang đang thu hoạch rộ vụ tôm càng xanh xen canh với vụ lúa mùa năm 2023. Nông dân chủ yếu gieo sạ các giống lúa đặc sản và chất lượng cao như ST 24, ST 25, RVT, Đài thơm… chiếm trên 70% tổng diện tích. Thương lái mua lúa tươi tại ruộng 10.000 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, từ đầu năm đến nay diện tích sản xuất tôm-lúa trên địa bàn tỉnh đạt hơn 106.000ha. Mô hình này đã mang lại hiệu quả cho người sản xuất, từ thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha, tăng lên 100-130 triệu đồng/ha.
Trong khi giá lúa trong nước vẫn kéo dài đà tăng thì giá gạo 5% tấm ổn định ở mức 653 USD/tấn, duy trì ở mức này trong ba tuần qua.
Một thương nhân ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: "Nhu cầu hiện tại không mạnh do người mua đang chờ nguồn cung mới từ vụ thu hoạch Đông Xuân. Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu năm nay có thể đạt 8 triệu tấn, tương đương với mức của năm 2023, do nhu cầu toàn cầu đối với gạo Việt Nam sẽ vẫn cao."
Trong khi đó, giá gạo đồ xuất khẩu từ Ấn Độ - trung tâm xuất khẩu hàng đầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng vào tuần qua, trong khi nhu cầu mạnh và nguồn cung giảm cũng hỗ trợ giá gạo Thái Lan.
Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 525 USD đến 535 USD/tấn trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 9/2023, tăng từ mức từ 510-517 USD/tấn của tuần trước.
Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành tại Satyam Balajee, công ty xuất khẩu gạo lớn của Ấn Độ, cho biết bất chấp nhu cầu yếu, giá vẫn tăng do nguồn cung lúa giảm khi Chính phủ đẩy mạnh thu mua.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 665 USD/tấn vào ngày 18/1, tăng so với mức từ 648 - 650 USD/tấn của tuần trước đó.
Các thương nhân Thái Lan ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ từ Indonesia và một số thị trường châu Phi, qua đó giúp đẩy giá gạo tăng cao.
Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết: "Có rất nhiều nhu cầu mới từ Indonesia sau khi họ công bố kế hoạch mua gạo từ nhiều nước, tạo ra nhiều hoạt động cho thị trường, khiến giá tăng cao."
Nguồn cung giảm cũng góp phần đẩy giá tăng. Các thương nhân cho biết nguồn cung mới dự kiến sẽ gia nhập thị trường vào khoảng tháng tới.
Giá gạo ở Bangladesh đã tăng 5 Taka Bangladesh (0,0457 USD) trong tuần này mặc dù năng suất và dự trữ ở mức cao, điều mà Chính phủ đổ lỗi là do việc các doanh nghiệp vô đạo đức tích trữ để kiếm lợi nhuận khủng.
Bộ trưởng Lương thực của Bangladesh, Sadhan Chandra Majumder, đã cảnh báo các nhà xay xát gạo và thương nhân giảm giá bán gạo, nếu không sẽ có hành động nghiêm khắc đối với việc đầu cơ đó.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản biến động trái chiều trong tuần qua, với giá ngô và lúa mỳ đồng loạt tăng, còn giá đậu tương giảm nhẹ.
Chốt phiên này, tại sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ), giá ngô giao tháng 3/2024 tăng 1,5 xu, tương đương 0,34%, lên 4,455 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 3/2024 cũng tăng 7,75 xu, tương đương 1,32%, lên 5,3225 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 3/2024 lại giảm 0,25 xu, tương đương 0,02%, xuống 12,1325 USD/bushel (1 bushel lúa mì/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).
Giá đậu tương "hạ nhiệt" trong phiên cuối tuần này, do giá dầu đậu tương suy giảm. Tỷ suất lợi nhuận của đậu tương đã ổn định ở mức 0,9 -1 USD mỗi bushel, song khối lượng thu hoạch mặt hàng này đã giảm trước phiên cuối tuần, khiến mọi người chú ý đến giai đoạn khô hạn sắp tới ở Argentina.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) cho biết ngô và đậu tương đang bị bán tháo quá mức. Nhu cầu xuất khẩu của Mỹ phục hồi sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ vào cuối tháng 12/2023 và đầu tháng 1/2024.
Doanh số bán ngô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 11/1 đạt tổng cộng 49,3 triệu bushel, so với mức tương ứng 19,2 triệu bushel trong tuần trước và là mức lớn nhất kể từ đầu tháng 12/2023.
Doanh số bán lúa mỳ đạt tổng cộng 26 triệu bushel, so với mức tương ứng 5 triệu bushel trong tuần trước đó. Trong khi đó, doanh số bán đậu tương của Mỹ đạt tổng cộng 29 triệu bushel, so với 10 triệu bushel của tuần trước đó.
Các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán 297.000 tấn đậu tương sang Trung Quốc hôm 19/1. Trong khi đó, theo dự báo, những cơn mưa rào thường xuyên sẽ quay trở lại Brazil vào giữa tuần tới.
Về giá càphê thế giới, khô hạn ở Brazil và những lo ngại nguồn cung chậm trễ đã thúc đẩy các thị trường cà phê trở lại xu hướng giá tăng.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London đảo chiều tăng. Giá càphê giao kỳ hạn tháng 3/2024 tăng 65 USD, lên 3.128 USD/tấn và loại kỳ hạn giao tháng 5/2024 tăng 68 USD, lên 2.967 USD/tấn, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US - New York cùng xu hướng hồi phục. Giá loại giao tháng 3/2024 tăng 5,20 xu, lên 185,15 xu/lb và loại có kỳ hạn giao tháng 5/2024 tăng thêm 4,85 xu, lên 181,85 xu/lb, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình. (1 lb = 0,4535 kg)
Thị trường nông sản: Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục với 4,78 tỷ USD
Giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục có sự tăng nhẹ. Khép lại năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo đã đạt kỷ lục với 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.
Báo cáo thời tiết các vùng trồng chính ở miền Nam Brazil vẫn còn khô hạn do chỉ có lượng mưa thấp dưới mức trung bình lịch sử. Kết hợp với dữ liệu báo cáo tồn kho ngày 19/1 tiếp tục sụt giảm trên cả hai sàn, đặc biệt tại sàn ICE – Europe lượng càphê tồn kho giảm xuống mức thấp kỷ lục là 30.010 tấn (khoảng 500.167 bao) và tại sàn ICE – US ở mức 263.810 bao, xấp xỉ mức thấp nhất 24 năm, trong bối cảnh các tuyến vận tải biển đang bị hạn chế ở cả hai kênh đào Panama và Suez khiến thị trường càng lo lắng nguồn cung chậm trễ.
Trong khi đó, thị trường còn ghi nhận thêm thông tin nông dân hai nhà sản xuất càphê lớn ở Đông Nam Á đang neo hàng lại để chờ giá cao hơn./.