Khoảng gần một tuần nay, giá lợn hơi trên cả 3 miền lại tiếp tục tăng mạnh, có nơi gần tiến sát mốc 100.000 đồng/kg
Trước đây giá lợn ở miền Nam thường thấp hơn so với miền Bắc khoảng 5.000 đồng/kg, nhưng nay giá lợn hơi ở các miền ngang đều nhau.
Tổng hợp giá của Công ty cổ phần Anova Feed cho thấy giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc từ 94.000-98.000 đồng/kg, miền Trung 90.000-97.000 đồng/kg, Đông Nam Bộ 95.000-98.000 đồng/kg, Tây Nam Bộ 93.000-99.000 đồng/kg, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vẫn đưa ra thị trường với giá 70.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi lên cũng khiến giá thịt lợn tại các chợ dân sinh dao động từ 180.000-220.000 đồng/kg tùy loại, còn tại hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội có giá từ 160.000-320.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Toản, chủ một trang trại lợn ở Khoái Châu, Hưng Yên cho biết những ngày gần đây, ông liên tục nhận được điện thoại của thương lái hỏi mua lợn thịt thương phẩm. Giá lợn hơi đang tăng chóng mặt. Đầu tháng Năm này, ông mới xuất bán lứa lợn gần 200 con với giá 94.000 đồng/kg lợn hơi, nay thương lái đã trả 98.000 đồng/kg.
Chăn nuôi lợn hơn 20 năm nay, ông Toản cho rằng với đà tăng như thế này có thể chạm mốc 100.000 đồng/kg trong vài ngày tới.
Không bị dịch tả lợn châu Phi vào năm ngoái và nhờ giá lợn tăng cao, ông Toản cũng đã bù đắp được các khoản lỗ do giá lợn đi xuống khi dịch cao điểm. Ngoài ra, ông còn đầu tư thêm được một trang trại 700m2 để tăng đàn.
Ông Lê Tiến Dũng ở khu 1-Đồ Sơn, Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ cho biết cuối tháng Tư vừa qua ông mới bán một đàn lợn 100 con có giá 90.000 đồng/kg. Nhưng mấy ngày nay thương lái đã hỏi mua với giá 96.000-97.000 đồng/kg, tuy nhiên cũng phải hơn một tháng nữa, ông mới có lợn để bán.
Để đảm bảo đầu ra ổn định tránh phụ thuộc vào thương lái, ông Lê Tiến Dũng đang muốn hợp tác với một số doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm với thương hiệu sản phẩm lợn sạch. Tuy nhiên, do giấy chứng nhận trang trại của ông đã hết hạn, nay ông phải xin cấp lại nhưng gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Dũng không hiểu lý do tại sao mà chính quyền xã vẫn chưa đồng ý xác nhận, trong khi trang trại của ông đã tồn tại và từng được cấp chứng nhận cách đây hơn 10 năm nay.
[Giá thịt lợn tăng kỷ lục do khan hiếm nguồn cung]
Theo ông Dũng, việc cấp chứng nhận trang trại sẽ giúp ông có thể dễ dàng hơn trong vay thêm các nguồn vốn ưu đãi để có thể mở rộng đầu tư chăn nuôi hiện đại, đảm bảo an toàn hơn.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, khoảng một tuần qua, giá lợn hơi tại Đồng Nai luôn dao động từ 94.000-96.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết trước Tết Nguyên đán 2020, giá lợn hơi ở Đồng Nai từng đạt đỉnh với mức 92.000 đồng/kg, nhưng giá này chỉ duy trì khoảng 5 ngày, sau đó giảm xuống. Lần này, lợn hơi lập đỉnh mới với giá 96.000 đồng/kg, thời gian giá lợn hơi cao kỷ lục đã kéo dài nhiều ngày, hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Giá lợn tăng, nuôi lợn thời điểm này dự báo sẽ thu lợi nhuận lớn, song hầu hết hộ chăn nuôi, trang trại quy mô nhỏ ở Đồng Nai vẫn không thể tái đàn. Nguyên nhân do thiếu vốn, giá con giống tăng cao và nhiều rủi ro khác.
Ông Trần Văn Phi ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết do dịch tả lợn châu Phi, nhiều tháng qua gia đình đã ngưng chăn nuôi. Hiện nay, dịch đã được khống chế, gia đình ông muốn tiếp tục chăn nuôi nhưng không có vốn.
Thời gian gần đây, mỗi con lợn giống (7kg) có giá hơn 3 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với trước thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Hiện đầu tư nuôi lợn, phải đi mua con giống, thức ăn giá thành lên gần 6 triệu đồng/con, nếu khi xuất bán, giá lợn hơi xuống dưới 60.000 đồng/kg là người chăn nuôi thua lỗ.
Để góp phần kéo giảm giá bán thịt lợn trên thị trường, ngoài hạ giá lợn hơi, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã và đang tổ chức khâu giết mổ và trực tiếp bán thịt lợn mảnh đến người bán lẻ nhằm bớt đi khâu trung gian.
Đơn vị này hiện cung cấp ra thị trường mỗi ngày từ 15.000-17.000 con lợn, giá lợn hơi là 70.000 đồng/kg và 97.000 đồng/kg đối với lợn mảnh. Hiện C.P. Việt Nam đang tổ chức giết mổ số lượng lợn chiếm khoảng hơn 20% tổng lượng lợn xuất bán mỗi ngày và cung cấp cho chuỗi hơn 700 cửa hàng CP Porkshop của công ty.
Theo đại diện công ty, giải pháp doanh nghiệp trực tiếp giết mổ, cung cấp thịt lợn mảnh trực tiếp đến người bán lẻ nhằm kéo giá thành thịt lợn giảm 10.000-15.000 đồng/kg so với giá thị trường.
Về lý do giá lợn lên cao, theo nhiều người chăn nuôi do nguồn cung hạn chế. Tính theo chu kỳ sản xuất lợn thịt từ đàn lợn nái là 10 tháng; trong đó có gần bốn tháng mang thai và 6 tháng nuôi lợn con đến xuất chuồng. Do vậy sản lượng thịt lợn của tháng Tư và tháng Năm năm nay phụ thuộc vào tổng đàn nái sinh sản tại thời điểm tháng Sáu và Bảy năm ngoái, thời kỳ cao điểm nhất của dịch tả lợn châu Phi. Dự báo tình trạng thiếu lợn thịt sẽ còn tiếp tục trong một vài tháng tới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi (tháng 4/2019), tổng đàn lợn của Đồng Nai hơn 2,5 triệu con, đến cuối năm 2019 chỉ còn 1,5 triệu con.
Tháng Ba năm nay, Đồng Nai công bố hết dịch tả lợn châu Phi, từ đó đến nay đã có hàng trăm cơ sở chăn nuôi tái đàn với số lượng gần 220.000 con.
Hiện tổng đàn đàn lợn của tỉnh đạt gần 2,1 triệu con, tăng khoảng 14% so với tháng Một năm nay. Việc tái đàn lợn ở Đồng Nai đang diễn ra nhanh, tập trung ở các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn e ngại tái đàn do giá lợn giống và các chi phí khác tăng cao.
Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai cho biết với tốc độ tái đàn như hiện nay, dự kiến cuối năm 2020, tổng đàn lợn của Đồng Nai sẽ đạt hơn 2,5 triệu con. Những tháng tới đây, nguồn cung thịt lợn Đồng Nai cung cấp cho thị trường sẽ nhiều hơn, đây là yếu tố quan trọng giúp kéo giảm giá thịt lợn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết đến nay, ngành chăn nuôi đã tái đàn được trên 80% so với tổng đàn lợn thời điểm trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra.
Tuy nhiên, còn 20% đàn lợn nữa sẽ là một nhiệm vụ rất khó mà ngành phải tập trung đẩy mạnh tái đàn, đảm bảo nhanh để trong quý 3 và quý 4 tới, cả nước có được đàn lợn phát triển bằng với trước khi dịch bệnh xảy ra./.