Giá lợn hơi tiếp tục biến động theo xu hướng tăng nhẹ trên diện rộng

Ngành nông nghiệp lý giải sự tăng giá lợn hơi trên cả nước thời gian gần đây là do nhu cầu có dấu hiệu tăng lên khi vào mùa du lịch trong khi tâm lý tái đàn lúc này vẫn khá dè dặt.
Giá lợn hơi tiếp tục biến động theo xu hướng tăng nhẹ trên diện rộng ảnh 1Giá lợn hơi tiếp tục biến động theo xu hướng tăng nhẹ trên diện rộng. (Nguồn: TTXVN)

Giá lợn hơi tiếp tục biến động theo xu hướng tăng nhẹ trên diện rộng. Hiện, mức giá lợn hơi trung bình các khu vực đã chạm và vượt ngưỡng 60.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, có những địa phương, giá lợn hơi đã lên mức 63.000 đồng/kg, tăng khoảng 20% so với đầu năm. Đây cũng là mức cao nhất trong gần một năm qua.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay (28/6) tăng 1.000-2.000 đồng/kg so với hôm qua và dao động trong khoảng 62.000-63.000 đồng/kg.

Cụ thể, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, lợn hơi tại Thái Nguyên điều chỉnh lên ngưỡng 63.000 đồng/kg - ngang bằng giá lợn tại Hưng Yên và Thái Bình. Đây cũng là mức giá cao nhất khu vực.

Cùng với đó, thương lái tại Yên Bái và Lào Cai đang cùng thu mua lợn hơi ở mốc 62.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.

Còn tại Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình sau khi tăng 2.000 đồng/kg, lợn hơi tại địa phương này đang được thương lái thu mua ở mức 62.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá và cùng đứng ở mức 62.000 đồng/kg.

[Giá lợn hơi xuống thấp, nhiều hộ chăn nuôi phải đóng chuồng do thua lỗ]

Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 58.000- 62.000 đồng/kg.

Cụ thể, 60.000 đồng/kg là mức giá lợn hơi tại Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Còn ghi nhận mức 62.000 đồng/kg tại Nghệ An và Hà Tĩnh, tăng tương ứng 1.000 đồng/kg và 3.000 đồng/kg.

Các địa phương khác trong khu vực không ghi nhận sự biến động mới về giá; trong đó, mức giá thấp nhất khu vực 58.000 đồng/kg được ghi nhận tại Đắk Lắk. Các địa phương còn lại trong khu vực, giá lợn hơi dao động trong khoảng 59.000-60.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 58.000-61.000 đồng/kg. Trong đó, mức giao giá cao nhất khu vực là 61.000 đồng/kg tại Đồng Nai và Long An.

Ở chiều ngược lại, mức giá thấp nhất khu vực 58.000 đồng/kg được ghi nhận tại Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Bạc Liêu. Các tỉnh thành còn lại duy trì giao dịch ổn định trong khoảng 59.000-60.000 đồng/kg.

Sau một thời gian dài “treo chuồng” vì giá lợn xuống đáy, ông Trần Quốc Toản, ở Khoái Châu, Hưng Yên, mới vào tái đàn khoảng 1 tháng nay. Nhưng sự vào đàn của ông cũng như các thành viên trong Hợp tác xã Thành Đạt cũng rất dè dặt. Cả hợp tác xã với 8 thành viên mà tổng đàn mới khoảng 3.000 con lợn.

Theo ông Trần Quốc Toản, dù giá lợn hơi ở khu vực ông đã lên tới 63.000-64.000 đồng/kg nhưng ông nhận thấy thị trường tiêu thụ vẫn rất chậm. Nhu cầu tiêu thụ thịt ở các chợ và các nhà máy, công ty có bếp ăn tập thể vẫn chưa có những dấu hiệu tăng lên. Mỗi lần vào đàn ông chỉ dám đầu tư vài trăm con.

“Dù giá lợn hơi có tăng nhưng để lên cao hơi khó. Sau thời gian chồng chất nợ nần, người chăn nuôi giờ chỉ mong không “teo” vốn” - ông Toản cho hay.

Sự tăng giá lợn hơi gần đây được ông Toản cho là do lượng hàng cung ứng từ chăn nuôi nhỏ đã cạn kiệt. Nguồn cung chủ yếu từ chăn nuôi quy mô lớn. Người chăn nuôi khu vực ông dù có xu hướng tăng đàn trở lại nhưng vẫn nhiều e ngại khi nhu cầu thị trường chưa cao, trong khi dịch bệnh trên vật nuôi vẫn đang rải rác xuất hiện.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trạng trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cũng đánh giá dù giá lợn hơi đã tăng trở lại, tuy nhiên, tâm lý tái đàn lúc này vẫn khá dè dặt. Bởi giai đoạn khó khăn vừa qua kéo khá dài. Chăn nuôi nhỏ lẻ gần như chưa dám quay trở lại.

Hiện thị phần chăn nuôi lợn theo quy mô nông hộ cũng đã thu hẹp dần. Trước đây, tỷ trọng chăn nuôi nông hộ chiếm tới 70% nguồn cung thịt lợn, tuy nhiên con số này hiện đã co hẹp xuống còn khoảng 50%.

Sự thua lỗ kéo dài thời gian vừa qua đã khiến chăn nuôi nông hộ nhận ra phải có chuyển dịch sang chăn nuôi chuyên nghiệp khép kín, đảm bảo tốt hơn an toàn dịch bệnh và tiết kiệm chi phí nuôi.

Theo một số doanh nghiệp lớn trong ngành, trong tương lai, tỷ trọng này sẽ co hẹp xuống còn 20-30% và đây là cơ hội cho chăn nuôi công nghiệp phát triển.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 5/2023, cả nước có đàn lợn trên 24,7 triệu con, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu thịt lợn trong cơ cấu các sản phẩm thịt trong quý 2/2023 có sự giảm nhẹ từ mức 63,7% (của quý 2/2022) xuống còn 63,4%.

Sự tăng giá lợn hơi trên cả nước thời gian gần đây được ngành nông nghiệp cho là do nhu cầu có dấu hiệu tăng lên khi vào mùa du lịch./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục