Sáng 26/6, Ủy ban Nhân dân huyện Chư Prông (Gia Lai) đã có văn bản số 1178 về việc voi rừng hoang dã xuất hiện tại khu vực suối Mỹ, xã Ia Ga.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Ủy ban Nhân dân huyện Chư Prông yêu cầu các đơn vị liên quan, Ủy ban Nhân dân các xã Ia Ga, Ia Pia, Ia Púch, Ia Mơ, Ia Piơr, Ia Lâu tăng cường công tác tuần tra, đẩy đuổi, nắm bắt thông tin hoạt động của voi rừng tự nhiên, tránh để voi vào sâu trong khu vực nương rẫy và khu vực sinh sống của người dân làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất và tính mạng của nhân dân.
Ủy ban Nhân dân huyện biên giới Chư Prông cũng khuyến cáo người dân trên địa bàn hạn chế hoạt động đi lại và không ngủ lại qua đêm trên nương rẫy để tránh thiệt hại về người khi voi rừng về phá hoại; khi phát hiện hoạt động của đàn voi phải báo ngay cho chính quyền địa phương để có các biện pháp xử lý phù hợp.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân huyện Chư Prông cũng nghiêm cấm các hoạt động săn bắt voi rừng, tránh vi phạm Luật bảo vệ động vật hoang dã.
[Đồng Nai: Voi rừng thường xuyên phá hoại tài sản, hoa màu của dân]
Theo ông Rơ Ma Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ia Ga, huyện Chư Prông (Gia Lai), sáng cùng ngày, đơn vị đã làm báo cáo vụ việc voi rừng xuất hiện trên địa bàn lên Ủy ban Nhân dân huyện Chư Prông.
Theo báo cáo, vào khoảng 16 giờ ngày 25/6, nhận được tin báo của người dân về có 3-5 con voi rừng xuất hiện ở khu vực suối Mỹ và núi Chư Gây (xã Ia Ga). Qua kiểm tra, dấu chân voi để lại tại hiện trường rất nhiều.
Đàn voi cũng làm hư hại một chòi canh rẫy và một ít chuối của người dân nằm ở khu vực giáp ranh 2 xã Ia Ga và Ia Lâu. Hiện xã đang cho thôn đi kiểm đếm, thống kê thiệt hại. Đến sáng 26/6, đàn voi đã di chuyển sang địa bàn xã khác.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, cho biết đàn voi xuất hiện tại các xã biên giới đã nhiều ngày qua, đàn voi từ phía Campuchia thường xuyên về, đi lại trên đoạn đường tuần tra biên giới, số lượng từ 3-5 con, thời gian di chuyển chủ yếu vào ban đêm.
Chiều, tối 25/6, cán bộ trực chốt tại suối Cát và người dân trên địa bàn xã cũng phản ánh voi rừng đang di chuyển về suối Cát (xã Ia Mơ) và khu vực biên giới (giáp ranh Campuchia).
Trong đàn voi, có con voi rất to, cặp ngà dài; dấu chân voi in lại trên đất rộng đến 30-40cm.
Hiện tại, đàn voi đang ở xã Ia Mơ và di chuyển về hướng biên giới Campuchia. Trên địa bàn xã Ia Mơ, chưa ghi nhận hoa màu thiệt hại do đàn voi rừng nói trên gây ra./.