Gia Lai: Xe độ chế ngang nhiên chuyển gỗ lậu từ rừng phòng hộ

Gia Lai: Xe độ chế ngang nhiên vận chuyển gỗ lậu từ rừng phòng hộ

Khu vực rừng phòng hộ Ia Rsai đang là điểm nóng của tình trạng xâm hại rừng và buôn bán lâm sản trái phép, hàng ngày, các loại xe độ chế ngang nhiên vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.
Gia Lai: Xe độ chế ngang nhiên vận chuyển gỗ lậu từ rừng phòng hộ ảnh 1Cây gỗ được xẻ vuông trong rừng phòng hộ Ia Rsai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Rừng phòng hộ Ia Rsai ở huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai có diện tích trên 17.000ha. Khu vực rừng phòng hộ đang là điểm nóng của tình trạng xâm hại rừng và buôn bán lâm sản trái phép. Hàng ngày, các loại xe độ chế ngang nhiên vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.

Thực trạng rừng phòng hộ Ia Rsai bị tàn phá càng được minh chứng rõ nét hơn tại các tiểu khu 1307 và tiểu khu 1325, cách trung tâm xã Ia Rsai trên 20km. Tại đây, hàng chục cây gỗ to, nhỏ đủ chủng loại, kích cỡ nằm ngổn ngang, nhiều cây đã được xẻ vuông, các đối tượng phá rừng trái phép chưa kịp mang đi tiêu thụ.

Nhiều khoảnh rừng thuộc khu vực rừng phòng hộ còn bị đốt cháy nham nhở. Điều đáng nói là các vụ việc trên xảy ra ngay gần đường tuần tra và cách Trạm quản lý bảo vệ rừng không xa. Táo tợn hơn, các đối tượng khai thác rừng trái phép còn dựng cả cây cầu bắc qua suối để làm đường vận chuyển gỗ.

Hoạt động vận chuyển gỗ ra khỏi rừng cũng có nhiều điểm đáng nói. Thỉnh thoảng lại có một xe máy độ chế chở theo từng lóng gỗ ngang nhiên chạy băng băng trên đường. Càng về chiều muộn, mật độ xe chạy ra càng nhiều thậm chí có cả xe cẩu độ chế; ước tính mỗi ngày có đến hàng chục chiếc thay nhau ra vào như chốn không người.

Gia Lai: Xe độ chế ngang nhiên vận chuyển gỗ lậu từ rừng phòng hộ ảnh 2Cây cầu gỗ được bắc qua suối để vận chuyển gỗ. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Theo tìm hiểu của phóng viên, muốn ra khỏi rừng, mọi xe chở gỗ đều phải vượt qua các Trạm quản lý bảo vệ rừng và đặc biệt là phải vượt qua trụ sở chính của Ban Quản lý rừng phòng hộ và Ủy ban Nhân dân xã Ia Rsai.

Một thợ đi rừng cho biết muốn vượt qua được các cửa ải này chỉ có cách duy nhất là làm “luật.” Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe độ chế đua nhau vào rừng, nếu không làm luật, cánh thợ rừng không thể đi qua. Đã làm luật rồi, khi “bị động” sẽ có người thông báo.

Trao đổi về thực trạng rừng bị tàn phá nghiêm trọng và việc vận chuyển gỗ diễn ra công khai, ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai, cho rằng do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên đơn vị không thể quản lý hết. Còn về công tác quản lý và bảo vệ rừng, ông Sơn khẳng định "rất nghiêm, nếu có thì chỉ mất vài cây lẻ tẻ do người dân chặt phá."

Còn khi làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, Hạt trưởng có ý muốn "né tránh" phóng viên và hứa sẽ cho cán bộ đi kiểm tra xác minh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Tô Văn Chánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pa, cho biết kiểm lâm mà “né” thì ai cung cấp thông tin cho chính xác. “Liên quan đến công tác hoạt động quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, từ đầu năm đến nay chúng tôi đã ra hàng chục văn bản chỉ đạo các đơn vị chủ rừng phối hợp cùng lực lượng Kiểm lâm tăng cường công tác truy quét lâm tặc. Hàng chục kiểm lâm viên được tăng cường xuống huyện mà vẫn để mất rừng thì phải xem xét lại," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pa nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục