Gia Lai: Tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 8 gây ra

Theo báo cao nhanh, cơn bão số 8 không gây thiệt hại về người nhưng đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế của địa phương, đặc biệt là nhà ở, nông nghiệp và các công trình giao thông.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tính đến 17 giờ ngày 17/10, cơn bão số 8 (Kompasu) đã gây nhiều thiệt hại cho tỉnh Gia Lai. Ngay sau khi lượng mưa giảm, nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai công tác khắc phục thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cơn bão số 8 không gây thiệt hại về người nhưng đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế của địa phương, đặc biệt là nhà ở, nông nghiệp và các công trình giao thông.

Tại thành phố Pleiku, mưa lớn đã làm 10 ngôi nhà tại phường Hội Thương ngập sâu hơn 1m; một số nhà dân dọc quốc lộ 19 tại thôn 3, xã An Phú cũng bị ngập nước...

Ngoài ra, nhiều điểm trên địa bàn thành phố Pleiku, như hẻm 58 Phạm Văn Đồng, tường nhà số 19, 27 đường Triệu Quang Phục bị đổ...

Tại các khu vực này, lực lượng chức năng đã kịp thời hỗ trợ bà con vận chuyển đồ đạc và kịp thời sơ tán người dân. Ngay sau khi nước rút, các phường đã cử lực lượng xung kích hỗ trợ dân dọn dẹp vệ sinh, ổn định cuộc sống.

Các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Trong đó, chủ yếu là tình trạng sạt lở một số vị trí trên các tuyến đường giao thông như tại xã Yang Trung (huyện Kông Chro) sạt lở đường nội đồng làng Tnang, chiều dài khoảng hơn 30 m; Sạt lở đường liên xã Kông Yang; sạt lở 2 vị trí đường liên huyện đi xã Đăk Tơ Pang với khối lượng sạt lở khoảng 20 m3; sạt lở mái hạ lưu đập tràn làng Vẽh xã Chư Krêy với diện tích khoảng 20m2.

Tại xã Hà Đông (huyện Đak Đoa), mưa to làm sạt lở đất taluy dương khoảng 5m trên đoạn đường đi Đak SơMei cách Trung tâm xã Hà Đông 5km. Hiện các điểm sạt lở đã được các địa phương khắc phục, khơi thông... để người dân đi lại được an toàn.

[Ninh Thuận đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi mùa mưa lũ]

Đối với sản suất nông nghiệp, mưa bão đã làm hơn 117 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Tại huyện Phú Thiện có hơn 52 ha lúa bị ngã đổ (5ha dưới 30%; 32,65 ha bị thiệt hại mức từ 30 đến 70%; 15,2 ha bị thiệt hại trên mức 70%); hơn 5 ha hoa màu bị ngập úng trên mức 70% (0,8 ha rau ngót và 4,65 ha ngô).

Tại huyện Kông Chro có gần 40 ha cây trồng bị ảnh hưởng, chủ yếu tập trung tại các xã An Trung, Yang Trung, Chư Krêy, Chơ Glong, Ya Ma. Mưa bão cũng làm hơn 600 con chim cút, 150 con gà, 1 con trâu bị cuốn trôi, chết.

Ngoài ra, mưa lớn cũng gây sập một đoạn tường của trường mầm non tại xã Đăk Tơ Pang (huyện Kông Chro) và khoảng 15 m kênh tại công trình thủy lợi làng Brăng, xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro.

Để ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã có công điện yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 1388/CĐ-TTg ngày 17-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó mưa lũ tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên; Công văn số 1537/UBND-NL ngày 13-10-2021 của UBND tỉnh về việc chủ động triển khai công tác ứng phó với mưa, lũ.

Một số nhiệm vụ được tập trung triển khai thực hiện: Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”; Chủ động rà soát, huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu chia cắt, vùng thấp trũng ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực từng xảy sạt lở đất, ngập lụt năm 2020.

Đồng thời bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ phải sơ tán, không để người dân bị thiếu đói, rét; Tổ chức thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hồ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài; Triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ đập; tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn tỉnh.

Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ.

Đối với các địa phương có các vị trí ngầm tràn bị ngập lụt bố trí lực lượng túc trực để cảnh báo giao thông, không cho phép lưu thông qua lại khi nước chưa rút hẳn để tránh thiệt hại về người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục