Sau nhiều tháng chung tay xây dựng nhà Rông mới, ngày 14/11, người dân làng Đê KJêng, xã Ayun, huyện Mang Yang (Gia Lai) cùng nhau quây quần chuẩn bị cho nghi lễ lên nhà Rông mới.
Nghi lễ này được phục dựng theo đúng nghi lễ truyền thống của đồng bào Bahnar nơi đây sau hàng chục năm bị lãng quên.
Để thực hiện nghi lễ quan trọng này, già làng phân công các thành viên phụ tá chuẩn bị vật liệu cần thiết ngay từ tối hôm trước và sáng hôm diễn ra buổi lễ. Các nam, nữ thanh niên trong làng lựa chọn lợn, gà, dê khỏe, đẹp nhất mang lên nhà Rông để làm lễ.
Cùng với nghi thức mời rượu và các phần lễ quan trọng diễn ra bên trong nhà Rông, đội cồng chiêng với những chàng trai ưu tú nhất của làng trình diễn bài chiêng cùng nhịp trống vui nhộn đi vòng quanh các già làng đang mời rượu.
Khi nghi thức mời rượu kết thúc, phần nghi lễ mừng nhà Rông mới tiếp tục với sự tham gia của toàn thể dân làng trong những bộ trang phục đẹp nhất. Bà con múa, hát theo nhịp chiêng truyền thống và cùng nhau thưởng thức những sản vật như thịt, cơm lam, rượu cần… do dân làng đóng góp mừng nhà Rông mới.
Khi nghi lễ mừng nhà Rông mới kết thúc, già làng Trâm vui mừng chia sẻ, già và dân làng vui lắm. Già sẽ cố gắng lưu giữ và truyền dạy lại cho con cháu những nghi lễ quan trọng để bảo tồn nét văn hóa truyền thống quý báu của đồng bào mình.
Chứng kiến nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Bahnar bản địa được phục dựng sau hàng chục năm thất truyền, ông Võ Ngọc Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Ayun, huyện Mang Yang cho biết dân làng rất mừng và xem đây là mốc khởi đầu để nỗ lực hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Tây Nguyên.
Đặc biệt, một sự kiện quan trọng đã diễn ra ngay trước ngày phục dựng lễ mừng nhà Rông mới, hơn 200 nghệ nhân đến từ 5 làng đã tham dự Hội thi văn hóa các dân tộc thiểu số xã Ayun lần thứ I năm 2019 được tổ chức tại sân làng Đê KJêng. Các nghệ nhân và dân làng cùng tham gia trổ tài tạc tượng gỗ dân gian, thi đan gùi, làm mô hình nhà Rông, dệt vải, chế biến rượu cần theo công thức truyền thống bằng các nguyên liệu tự nhiên...
Anh Khih, Trưởng thôn Đê KJêng cho rằng, những hoạt động này là tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống ở địa phương. Lâu nay, các thế hệ thanh niên trong làng chỉ tập trung sản xuất nông nghiệp, học nghề để phát triển kinh tế, không mặn mà với việc duy trì sinh hoạt văn hóa truyền thống. Vì vậy, nhiều nét văn hóa đang có nguy cơ mất dần. Hội thi và lễ phục dựng nhà Rông mới là dịp để nhân dân trong làng nhìn nhận lại, nhắc nhở nhau cùng nỗ lực bảo tồn gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Từ đầu năm đến nay, qua khảo sát thực tế, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã phối hợp với các địa phương tổ chức phục dựng thành công 3 nghi lễ quan trọng Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng bến nước, Lễ lên nhà Rông mới) gắn bó mật thiết với đời sống, sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng các dân tộc thiểu số Jrai và Bahnar trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phục dựng, tổ chức các hội thi văn hóa, qua đó góp phần bảo tồn, truyền dạy nét đẹp văn hóa bản địa đặc sắc đến thế hệ trẻ và bạn bè gần xa./.