Gia Lai phục dựng lễ Mừng chiến thắng của người Bahnar

Để bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai đã phục dựng lễ hội "Mừng chiến thắng" của người Bahnar theo đúng nghi thức truyền thống.
Gia Lai phục dựng lễ Mừng chiến thắng của người Bahnar ảnh 1Lễ hội đâm trâu mừng chiến thắng của người dân tộc Bahnar. (Ảnh: TTXVN)

Để bảo tồn giá trị các lễ hội của các tộc người thiểu số, mới đây tỉnh Gia Lai đã tiến hành phục dựng lại lễ hội "Mừng chiến thắng" của người Bahnar với đầy đủ lễ nghi và các loại vật dụng do hơn 50 nghệ nhân ở huyện Đăk Pơ tái hiện.

Đây cũng là một trong những chuỗi hoạt động chính trong hưởng ứng "Năm du lịch Quốc gia Tây Nguyên 2014" tại Gia Lai.

Đối với các tộc người thiểu số khu vực Tây Nguyên, tháng Ba hàng năm được coi là tháng quan trọng nhất của cộng đồng, bởi đây là thời gian chính để bà con bước vào vụ sản xuất.

Do vậy, ở các buôn làng thường diễn ra các lễ hội cúng thần linh (Giàng) với mong ước, mùa vụ năm nay được "mưa thuận, gió hòa" để dân làng làm ra nhiều hạt lúa, hạt ngô, không ốm đau bệnh tật và có cuộc sống ấm no hơn...

Thời gian qua, ở tỉnh Gia Lai, nhiều nơi đã diễn ra các lễ hội của hai tộc người Bahnar và J'rai với quy mô khác nhau. Có nơi thì tổ chức theo từng làng, lại có nơi theo cụm làng song vẫn đảm bảo đầy đủ các thủ tục và theo đúng nghi thức truyền thống, cuộc lễ diễn ra nghiêm trang và mang đậm bản sắc dân tộc.

Một điều đáng ghi nhận là, thời gian của các lễ hội diễn ra trong những năm gần đây ngắn hơn, chỉ còn một ngày so với ba ngày như trước kia; khâu vệ sinh trong ăn uống cũng được giữ gìn tốt hơn.

Lễ hội "Mừng chiến thắng" được coi là một trong những lễ hội lớn nhất trong số các lễ hội của người Bahnar được thực hiện trong phạm vi cộng đồng. Đây là dịp để toàn thể dân làng thực hiện lời hứa và trả ơn thần linh sau những đợt chống lại thiên tai, địch họa và cầu xin tiếp tục giúp đỡ để cộng đồng được mạnh khỏe, bình yên và có những mùa vụ tươi tốt.

Theo quan niệm của người Bahnar, chung quanh cuộc sống của họ có nhiều vị thần phải khấn vái cầu nguyện mới được tồn tại, đó là: Bok Glaih (thần sấm sét), Yang Sri (thần lúa), Yang Đak (thần nước), Yang Kông (thần núi)...

Ngoài các vị thần, người Bahnar còn tin rằng xung quanh mình còn có cả ma (atâu) do hồn người chết đi mà thành; do vậy ngoài việc cúng thần, bà con còn dâng lễ vật cho cả tổ tiên đã khuất mà họ thường gọi là atâu.

Nghi lễ cúng "Mừng chiến thắng" gồm ba phần. Đầu tiên là lễ kính báo với ông bà (atâu); tiếp theo là lễ kính báo về việc chôn cột gưng (kơpô) đâm trâu; phần lễ cuối cùng là đưa trâu cột vào gưng được làm bằng vỏ cây rừng, tiến hành đâm trâu, giết mổ lợn gà đặt lên bàn cúng.

Các già làng uống ghè rượu cúng đầu tiên, sau đó mời tất cả dân làng cùng uống. Đội cồng chiêng bắt đầu diễn tấu các bài chiêng truyền thống, các cô gái múa xoang theo nhịp chiêng rộn ràng vòng quanh cây nêu, các cụ già thì ngồi kể khan, hát dân ca cho nhau nghe. Họ cùng nhau tận hưởng những thành quả của ngày lễ, sự ban thưởng của thần linh và ngày hội được kéo dài.

Lễ hội "Mừng chiến thắng" của người Bahnar đã thể hiện tất cả những tinh hoa trong văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đến đây, ta sẽ được nghe tiếng chiêng ngân vang từ những bộ cồng chiêng cổ nhất, có âm thanh hay nhất; được xem những thiếu nữ xinh đẹp uyển chuyển bước trong vòng xoang theo nhịp trống chiêng, với những bộ trang phục và đồ trang sức đẹp nhất và quý nhất làm cho những cô gái Bahnar như chao bay giữa trời Tây Nguyên trong xanh lộng gió./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục