Gia Lai: Phát hiện gần 5 ha rừng tự nhiên bị tàn phá trái phép

Lợi dụng thời tiết mưa lớn, các đối tượng đã xâm nhập khu vực thuộc lâm phần Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de quản lý, chặt phá 641 cây gỗ các loại.
Hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 793 thuộc lâm phần Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Một vụ phá rừng tự nhiên trái phép với diện tích gần 5 ha (trong đó có khoảng 3 ha diện tích rừng có cây gỗ) vừa xảy ra tại tiểu khu 793 thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de khi người dân địa phương đã chặt hạ hàng trăm cây gỗ để lấy đất làm nương rẫy.

Đây là vụ việc xảy ra nghiêm trọng nhất trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Gia Lai, làm ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi lâm sản, môi trường sinh thái và an ninh trật tự của địa phương. Cơ quan chức năng đang điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng liên quan.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro, vụ việc diễn ra ngày 6/9/2023, khi trên địa bàn đang có mưa lớn, nước sông dâng cao, khó khăn cho việc tuần tra, kiểm tra.

Các đối tượng đã lợi dụng thời cơ này để xâm nhập vào rừng tại các vị trí lô 1, khoảnh 6 và lô 7, khoảnh 5, tiểu khu 793, địa giới hành chính xã Sró (huyện Kông Chro) thuộc lâm phần Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de quản lý, chặt phá hàng loạt cây gỗ như căm xe, bằng lăng, bình linh, SP5, SP6, SP7… với đường kính gốc từ 8-30 cm. Tổng số cây bị chặt hạ là 641 cây.

Khi phát hiện vụ việc, lực lượng quản lý bảo vệ rừng thuộc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de đã lập biên bản kiểm tra ban đầu và báo cáo cấp trên để xử lý.

Ngay sau đó, lãnh đạo huyện Kông Chro đã có văn bản chỉ đạo Công an huyện chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm, đơn vị chủ rừng cùng các bên liên quan để điều tra, xác định danh tính và truy tố các đối tượng.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ để xác định số người dân liên quan và mức độ vi phạm của từng đối tượng.

Theo ông Lê Văn Thủy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de, khu vực rừng bị phá nằm sát với khu sản xuất của người dân.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở những khu vực này gặp nhiều khó khăn, khi người dân thường có thói quen phá rừng làm nương rẫy theo tập quán. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra mất rừng. Ngoài ra, phía Công ty cũng có trách nhiệm khi để xảy ra việc phá rừng.

[Gia Lai: Triệt phá vụ khai thác gỗ quy mô lớn tại rừng giáp ranh]

“Trước đó, Tổ Bảo vệ Rừng thuộc Trạm Quản lý Bảo vệ Rừng xã Sró đã báo cáo tại các vị trí lô 1, khoảnh 6 và lô 5, khoảnh 7, tiểu khu 793 có hiện tượng bị người dân phát cây bụi, cây tái sinh. Công ty đã cử lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm tra và tuyên truyền đến người dân không được phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Tuy nhiên, đến sáng 6/9, lực lượng kiểm tra phát hiện có một số người dân địa phương đang phá rừng trái phép lấy đất làm nương rẫy. Đơn vị đã báo cáo ngay cho Hạt Kiểm lâm huyện và chính quyền địa phương,” ông Thủy chia sẻ thêm.

Trao đổi về vụ phá rừng trên, ông Trương Văn Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro cho biết sau khi nhận được báo cáo của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de, Hạt Kiểm lâm huyện đã cử đoàn công tác đến hiện trường để kiểm đếm số lượng cây bị chặt, diện tích rừng bị phá và tiến hành lập biên bản.

Vụ việc đã được Chi cục Kiểm lâm, Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện chỉ đạo quyết liệt.

Các đối tượng đã chặt phá 641 cây gỗ như: Căm xe, Bằng lăng, Bình linh, SP5, SP6, SP7… với đường kính gốc từ 8-30cm. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Ông Sơn nhấn mạnh Hạt Kiểm lâm huyện đang phối hợp tích cực với các ngành chức năng tiến hành mở rộng hiện trường, điều tra, xác minh làm rõ đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời, kiến nghị cấp trên làm rõ trách nhiệm của đơn vị chủ rừng để xảy ra vụ việc.

Trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng trên địa bàn.

Vụ phá rừng trái phép tại xã Sró, huyện Kông Chro là một minh chứng cho sự thiếu ý thức và trách nhiệm của một bộ phận người dân trong việc bảo vệ rừng.

Hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho nguồn lợi lâm sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và khí hậu của vùng.

Tỉnh Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước, với gần 650.000 ha.

Riêng địa bàn huyện Kông Chro có hơn 57.000 ha rừng tự nhiên, trong đó có khoảng 43.000 ha rừng được giao cho 7 đơn vị và 8 cộng đồng dân cư quản lý.

Thời gian gần đây, tình trạng xâm hại rừng do lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, khai thác rừng trái phép liên tiếp xảy ra đã đặt ra bài toán khó cho chính quyền địa phương các cấp trong công tác giữ rừng.

Ngoài ra, việc có nhiều hộ dân sinh sống, canh tác liền kề rừng cũng gây áp lực lớn đến các đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng./.

Hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 793 thuộc lâm phần Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Vụ việc diễn ra vào ngày 6/9/2023, khi trên địa bàn có mưa lớn, nước sông dâng cao, gây khó khăn cho việc tuần tra, kiểm tra. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Các đối tượng đã lợi dụng thời cơ này để chặt phá hàng loạt cây gỗ như: Căm xe, Bằng lăng, Bình linh, SP5, SP6, SP7… với đường kính gốc từ 8-30cm. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Tổng số cây bị chặt hạ là 641 cây. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Đây là vụ việc xảy ra nghiêm trọng nhất trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi lâm sản, môi trường sinh thái và an ninh trật tự của địa phương. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Cơ quan chức năng đang điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng liên quan. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục